Kiến trúc Pháp: Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa

Mai Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến trúc thời Pháp thuộc đặc trưng bởi sự đa dạng về phong cách, pha trộn, giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp và Việt Nam.

Tính hòa trộn và giao thoa văn hóa có sự biến đổi qua các giai đoạn, từ những biến đổi nhỏ cho phù hợp với khí hậu và một số họa tiết kiến trúc Việt vào những công trình mang tính áp đặt kiến trúc Pháp ở giai đoạn đầu. Tới cuối những năm 1930, các công trình giao thoa văn hóa và kiến trúc Pháp - Việt mang tính áp đảo thông qua phong cách kiến trúc Đông Dương.

Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Phong cách tân cổ điển

Phong cách Tân cổ điển thể hiện tâm lý sính kiến trúc cổ điển Hy Lạp - La Mã, coi đây là đỉnh điểm của ngôn ngữ và hình tượng kiến trúc. Mặt khác, ngôn ngữ kiến trúc cổ điển cũng cho phép tạo ra những công trình hoành tráng, kỳ vĩ có khả năng biểu đạt sức mạnh về mặt chính trị, kinh tế của nước Pháp.

Tuy nhiên, phong cách kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam không còn là tân cổ điển thuần túy mà mang nhiều màu sắc của chủ nghĩa triết chung. Mặc dù cách thức cổ điển vẫn mang tính áp đảo song các chi tiết của kiến trúc Phục hưng, các họa tiết kiến trúc Việt đã được đưa vào một số công trình. Các công trình tiêu biểu như: Dinh Toàn quyền Đông Dương, Dinh Thống sứ và Phủ Thống sứ Bắc kỳ, Tòa án, Nhà hát Lớn ở Hà Nội; Tòa Đốc lý Sài Gòn, Bưu điện, Dinh Thống sứ Nam Kỳ, Nhà hát Lớn ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó Nhà hát Lớn Hà Nội có thể được coi là điển hình nhất.

Nhà hát Lớn Hà Nội do hai kiến trúc sư Broyer và V.Harlay thiết kế năm 1899, trong quá trình xây dựng có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư F.Lagisquet, xây dựng năm 1911. Mặt chính của nhà hát nổi bật với hàng cột theo thức Ionic La Mã tạo thành năm gian rỗng ở giữa và hai gian đặc ở đầu hồi, phía trên được nhấn mạnh thêm bởi một hệ thống mái hình chóp cong lợp ngói đá kết hợp với các hình thức trang trí cầu kỳ và tinh xảo.

Khán phòng hình móng ngựa có sức chứa 870 khán giả được trang hoàng bởi các cột kép, hình đắp nổi cùng một mái vòm với chùm đèn pha lê rực rỡ. Mặc dù là một công trình tân cổ điển nhưng ở Nhà hát Lớn cũng đã xuất hiện hai mái sảnh khung thép phủ kính theo phong cách Art Nouveau – một phong cách hiện đại lúc bấy giờ.

 

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Phong cách địa phương Pháp

Các công trình mang phong cách địa phương Pháp bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX và đặc biệt phát triển vào những năm đầu thế kỷ XX phản ánh tâm lý nhớ quê hương của những người Pháp sang Việt Nam sinh sống.

Đặc điểm của kiến trúc địa phương Pháp là dựa trên phong cách kiến trúc bản địa Pháp vốn có đặc điểm khác nhau theo vùng miền, mang tính độc đáo về thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của các địa phương. Khi được xây dựng ở Việt Nam, các công trình phong cách kiến trúc địa phương Pháp đã có những biến đổi nhằm phù hợp với khí hậu, cảnh quan nhiệt đới bản địa.

Các công trình tiêu biểu như: Các trường Grande Lycée Albert Saraut, Petit Lycée, trường Bưởi, trường Nữ sinh Pháp ở Hà Nội; các trường Lycée Marie Curie, Collège Indigène, Lasan Taberd, Nữ sinh Áo tím, Viện Pasteur ở TP Hồ Chí Minh.

Kiến trúc đặc trưng tại Nhà bát giác, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Kiến trúc đặc trưng tại Nhà bát giác, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Trường Bưởi với tên chính thức Lycée du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ), dành cho học sinh người Việt. Khác với các trường trung học xây dành cho học sinh người Pháp xây dựng theo kiểu tập trung, trường Bưởi được xây dựng theo kiểu phân tán. Trong khuôn viên nhà trường có tới 3 nhà học, 2 nhà thí nghiệm và xưởng trường, nhà điều hành, một biệt thự cho giám đốc trường được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau.

Các nhà học, nhà thí nghiệm đều được xây dựng với hình thức tương đối giản dị, mái lợp ngói đua ra khỏi tường khá rộng và được đỡ bởi hệ console gỗ tiện dạng kép trang trí công phu. Sự kết hợp giữa các tòa nhà và khối cây xanh trong sân trường tạo ra một tổng thể kiến trúc hài hòa mang đậm chất “học đường” mà các trường dành cho học sinh người Pháp không có được.

Thương xá Tax, TP Hồ Chí Minh.
Thương xá Tax, TP Hồ Chí Minh.

Phong cách Art Deco

Kiến trúc Art Deco xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1920, gần như đồng thời với sự phát triển phong cách kiến trúc này ở Pháp. Ngoài những đặc điểm chung với phong cách Art Deco trên thế giới, Art Deco Việt Nam được đặc trưng bởi họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ các hình thức nghệ thuật cổ truyền và họa tiết trang trí trên các công trình kiến trúc truyền thống bản địa.

Các công trình theo phong cách Art Deco cũng được áp dụng nhiều giải pháp kiến trúc phù hợp khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Các công trình tiêu biểu: Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, Quỹ Tín dụng bất động sản, Công ty Shell, Tòa nhà Grands Magasins Reunis ở Hà Nội; Thương xá TAX, Khách sạn REX ở TP Hồ Chí Minh; Dinh Công sứ Pháp ở Huế; Viện Pasteur Đà Lạt.

Thương xá TAX trước kia là cửa hàng Grands Magasins Charner được xây dựng từ năm 1914, đến năm 1924 được xây dựng lại theo phong cách Art Deco. Thương xá gồm ba tầng và là trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Cũng giống như nhiều công trình theo phong cách Art Deco thuộc địa, kiến trúc sư – tác giả đã sử dụng nhiều yếu tố trang trí truyền thống bản địa ở công trình này, đặc biệt ở bộ mái trang trí. Những đường nét uốn lượn ở bộ mái này đặc biệt ăn nhập với phần mái hiên tầng một là nét duyên dáng đặc biệt của tòa nhà này.

Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phong cách Đông Dương

Sau một thời gian khai thác các công trình mang phong cách thuần túy châu Âu, người Pháp nhận thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam. Từ khoảng giữa thập kỷ 1920 đã hình thành một phong cách kiến trúc mới, kết hợp thành tựu công nghệ, văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa và kiến trúc bản địa mang tên phong cách kiến trúc Đông Dương.

Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng, hình khối hoàn toàn theo kiểu Pháp thịnh hành lúc bấy giờ nhưng có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian, cấu tạo kiến trúc nhằm thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa bản địa.

Các công trình tiêu biểu như: Đại học Đông Dương, Sở Tài chính và Trước bạ, Bảo tàng Louis Finot, Nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội; Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở TP Hồ Chí Minh; Bảo tàng Henri Parmentier ở Đà Nẵng; Nhà thờ Domaine de Marie và Ga Đà Lạt.

Khuôn viên nhà thờ Cửa Bắc. Ảnh: Công Hùng
Khuôn viên nhà thờ Cửa Bắc. Ảnh: Công Hùng

Bảo tàng Louis Finot do các kiến trúc sư E.Hébrard và C.Batteur thiết kế, xây dựng năm 1931. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày kiểu phương Tây dựa trên cấu trúc không gian khẩu độ lớn. Hình khối mặt đứng được nhấn mạnh bởi hệ thống mái bát giác che khối sảnh nhô cao phía trên công trình, hệ mái cho các khu trưng bày được cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam truyền thống.

Các họa tiết trang trí nội - ngoại thất công trình đều xuất phát từ các mô típ Á Đông cổ truyền nhưng được cách điệu và biến hóa ở các vị trí khác nhau, tạo ra sự đa dạng trong phương cách trang trí nhưng vẫn hòa nhập với hình thái kiến trúc chung.

Kiến trúc Pháp đã trở thành một quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa, kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc, cảnh quan đô thị truyền thống của Việt Nam. Quỹ di sản ấy cần có được các tiêu chí nhận diện chính xác và đặt ra các phương thức ứng xử phù hợp phục vụ cho mục tiêu bảo tồn những giá trị nguyên gốc cần lưu giữ và cải tạo để thích ứng với điều kiện sử dụng mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần