Hơn 128 triệu cổ phiếu, tương đương 40% lượng cổ phiếu KLB đang lưu hành được giao dịch thỏa thuận
Theo thống kê, tính từ đầu tháng 10 đến nay, khối lượng giao dịch trung bình theo ngày của cổ phiếu KLB đạt hơn 431.000 cổ phiếu/phiên, Đáng chú ý, trong các phiên giao dịch từ ngày 29/10 đến 20/11/2020 đã có hơn 128 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thỏa thuận. Số cổ phiếu này tương đương khoảng 40% lượng cổ phiếu đang lưu hành của KLB.
Số cổ phiếu “khổng lồ” nói trên được giao dịch trong khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu đến 12.600 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị trên 1.750 tỷ đồng, bằng hơn 40% vốn hóa của ngân hàng này. Dù điều này chưa đủ để khẳng định số cổ phiếu này đã đổi chủ nhưng nó cho thấy sự biến động về cơ cấu cổ đông Kienlongbank trong những ngày gần đây.
Trong một diễn biến khác, các giao dịch thỏa thuận đột biến cổ phiếu KLB diễn ra khá trùng hợp với một sự kiện được giới kinh doanh chú ý khi con trai của ông Võ Quốc Thắng – nguyên Chủ tịch Kienlongbank (giai đoạn 2013 – 2018) Võ Quốc Lợi kết hôn với Đào Thụy Phương Thảo, con gái Chúa đảo Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển vào ngày 7/11/2020.
Hiện, mã cổ phiếu này đang có đà tăng phi mã ấn tượng. Tính chung qua 1 tháng KLB đã tăng tới 43,2% giá trị. Mốc tăng tính theo quý còn ấn tượng hơn với mức tăng hơn 68% giá trị.
Cổ đông lớn của KienLongBank lộ diện vào đầu 2021?
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng TMCP Kiên Long vừa thông báo về việc họp Đại hội cổ đông bất thường.
Cụ thể, ngân hàng thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào 16h30 ngày 11/12/2020 để thực hiện việc ứng cử, đề cử nhân sự bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 và tham dự họp Đại hội đồng cổ đông bất thường Kienlongbank năm 2021.
Ngân hàng sẽ thông báo thực hiện quyền ứng cử, đề cử gửi cho cổ đông ngày 16/12/2020 và nhận hồ sơ đến 16h30 ngày 31/12/2020. Thời gian họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến vào tháng 1/2021. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2020 là tối đa 2 người. Nội dung cụ thể cuộc họp Kienlongbank sẽ thông báo đến cổ đông trong thư mời.
Rất có thể cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần nói trên sẽ tham gia trực tiếp hoặc cử người đại diện vào HĐQT của Kienlongbank dịp này.
9 tháng đầu năm 2020, KienLongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 144,6 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019 do thu nhập lãi thuần sụt giảm, đồng thời ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 55.592 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 0,9% đạt 33.793 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 21,5% đạt 39.990 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu tại ngày 30/9/2020 của Kienlongbank là hơn 2240 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 9 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và vẫn cao hơn 6,5 lần so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cuối tháng 9 ở mức 6,63% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%. Nợ xấu Kienlongbank tăng mạnh trong năm nay do dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank được phân loại theo nợ nhóm 5 theo Quyết định của NHNN. Từ đầu năm đến nay, Kienlongbank đã nhiều lần rao bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB để xử lý nợ nhưng chưa thành công.
Được biết, thành lập vào năm 1995 tại Kiên Giang, Kienlongbank ban đầu có tên gọi Ngân hàng TMCP Nông thôn Kiên Long, vốn điều lệ là 1,2 tỉ đồng và số nhân sự tổng cộng 10 người. Năm 2006, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Kiên Long qua việc chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên thành thị.
Cũng như các ngân hàng nông thôn lên thành thị khác, KienLongBank có cuộc chuyển đổi mạnh về vốn vào năm 2010, từ mức 1.000 tỉ đồng trước đó lên 3.000 tỉ đồng, bằng mức vốn pháp định tối thiểu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Song từ đó tới nay, đã qua nhiều năm, khi các ngân hàng khác lần lượt tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng, 10.000 tỉ đồng và hơn thế thì KienLongBank mới chỉ tăng vốn được thêm được hơn 200 tỉ đồng vào năm 2018 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu theo và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỉ lệ 8%.