Kiều hối khởi sắc

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sang năm nay, kiều hối tăng lại là tín hiệu lạc quan, đi theo đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Cuối năm, kiều hối dồn dập đổ về
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017 dự kiến lượng kiều hối chuyển về TP sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nếu như các tháng trước trung bình chỉ đạt 375 - 400 triệu USD/tháng, thì từ tháng 10/2017 đã tăng lên 600 triệu USD và tháng 11 lên mức 650 triệu USD. Con số này có thể sẽ tăng lên nhiều trong những tháng cận Tết, kéo dài đến đầu tháng 2/2018 vì đây thời điểm người dân Việt Nam nhận kiều hối nhiều nhất trong năm.

Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh VietinBank Thanh Xuân.  Ảnh: Phạm Hùng

Còn tại Hà Nội, dù chưa có thống kê của những tháng cuối năm, song trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP, doanh số kiều hối chuyển về đạt trên 800 triệu USD. Dự báo, con số của cả năm sẽ đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD.

Theo NHNN, Việt Nam có khoảng hơn 4,5 triệu người dân đang sinh sống, lao động, học tập tại 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức. Cùng với đó, kinh tế thế giới trong năm 2017 có nhiều khởi sắc hơn, do đó dòng kiều hối vào Việt Nam trong năm nay khởi sắc.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2016, kiều hối về Việt Nam khoảng 12 tỷ USD. Sang năm nay, kiều hối tiếp tục tăng là tín hiệu lạc quan, đi theo đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2017 khả năng lượng kiều hối về Việt Nam tăng khoảng 16% so với năm 2016, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngân hàng tung dịch vụ hút tiền

Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều chương trình để thu hút dòng ngoại tệ này. Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), với chương trình “Nhận tiền kiều hối, kết nối yêu thương”, với 9.000 quà tặng cho các khách hàng nhận tiền kiều hối qua Western Union và CONTACT (QIWI Bank). Chương trình được triển khai đến hết ngày 31/1/2018 với tổng giá trị giải thưởng lên tới 224 triệu đồng.

Vietcombank sau chương trình khuyến mãi: “Kiều hối liền tay – Vận may chào đón” kết thúc, tiếp tục triển khai thêm “Nạp tiền qua MoneyGram” đến hết tháng 4/2018. Với chương trình này, khách hàng cá nhân nhận tiền mặt từ nước ngoài chuyển về qua kênh MoneyGram tại các quầy giao dịch của Vietcombank có các giao dịch từ 100 USD trở lên sẽ có cơ hội trúng tiền thưởng được nạp tiền trực tiếp vào tài khoản điện thoại. Nhiều ngân hàng còn thành lập các công ty chuyển kiều hối và các dịch vụ hiện đại. Đơn cử như Công ty THHH MTV Chuyển tiền toàn cầu VietinBank; công ty Kiều hối DongABank...

Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, kiều hối chi trả qua ngân hàng tăng trưởng khá tốt trong năm 2017 và chủ yếu về từ thị trường Mỹ (chiếm đến 60%), kế đến là châu Âu (19%), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản… Theo đánh giá của các ngân hàng, nguồn kiều hối được chuyển về Việt Nam không chỉ hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường, mà còn là nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lượng kiều hối hiện nay về Việt Nam không còn chỉ để gửi tiết kiệm mà chủ yếu chuyển hướng sang đầu tư như: Chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu hoặc tạo lập DN mới... Vì như thời gian trước, kiều bào có thể gửi USD tại ngân hàng để hưởng lãi suất, nhưng bây giờ thì lãi suất tiết kiệm USD là 0% thì gần như họ không gửi nữa. Nhiều người chuyển tiền về dưới hình thức đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đứng tên là người Việt Nam. Việc Chính phủ sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua sở hữu nhà tại Việt Nam tạo ra một làn sóng nhà đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản. Đặc biệt là những dự án nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó là xu hướng thoái vốn cổ phần hóa nhiều DN tiềm năng cũng là lực hấp dẫn với nguồn vốn kiều hối. Với những cách như vậy, luồng kiều hối trong tháng cuối năm và trong năm sau dự báo sẽ tăng cao hơn.