Trên từng trang viết, hình ảnh Kim Liên xưa hiện ra quyến rũ lạ thường. Ở đó không hề có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi của ô tô, xe máy mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của những lũ trẻ chơi bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm. Nhịp sống vội vã, riêng biệt như hiện nay thay bằng nhịp sống chậm hơn, đậm chất tình người hơn, cư dân Kim Liên dùng chung với nhau từng cái bếp, cho nhau từng quả chanh rồi chung nhau cả cái nhà vệ sinh.
“Tôi viết cuốn sách này, trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống như thế nào, và những người quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân” - tác giả Vũ Công Chiến chia sẻ. Gần 60 năm là quãng thời gian tác giả và gia đình đã gắn bó, sinh sống tại khu tập thể. Dường như Kim Liên đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của ông và gia đình, nó đã cùng với ông lớn lên, trưởng thành và già đi theo năm tháng. Và khi mọi thứ đã trở thành thói quen, nếp sống thì việc rời bỏ là không thể nào. “Kim Liên một thuở” chẳng hề gai góc như “Hồi ức lính” mà tác giả Vũ Công Chiến từng rất thành công, nó chọn cho mình cách hành văn nhẹ nhàng, ẩn chứa trong đó là cả tâm tình mà tác giả dành cho nơi mà mình đã từng gắn bó, nơi mà ông đã sống suốt nửa đời người, nơi giúp ông giữ vững tay súng suốt những năm đi lính.Từng thước ảnh của Kim Liên hiện lên đầy chân thực gần gũi qua ngòi bút của ông, đậm chất người lính viết văn. Trong “Kim Liên một thuở” chúng ta còn thấy được ý chí chiến đấu của cả một Kim Liên anh hùng khi mà hàng loạt thanh niên ở đây đều xung phong đi lính, xung phong đi đánh giặc; chúng ta thấy Kim Liên oai nghiêm sau nhưng trận bom rền rĩ của kẻ thù, chúng ta thấy được sự quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam. Để rồi sau những năm tháng nhọc nhằn ấy, Kim Liên phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.