Kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán: Động lực giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đều khả quan. Đáng chú ý làn sóng tái đàm phán của các thương vụ phân phối bảo hiểm (bancassurance) độc quyền và hoạt động chứng khoán mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

Ngân hàng hưởng lợi từ bancassurance

VietinBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao (16.800 tỷ đồng), và đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 20% trong năm 2022. TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch được Đại hội cổ đông đặt ra. Đến hết năm 2021, tổng tài sản TPBank đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm, vượt trên 17% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra.

Vietcombank không chia sẻ cụ thể mức lợi nhuận năm 2021, nhưng lãnh đạo ngân hàng khẳng định hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra (25.000 tỷ đồng) và là ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất. Tương tự BIDV cũng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đạt kế hoạch NHNN và Đại hội đồng cổ đông giao. Lợi nhuận năm 2021 của Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng.

NHNN sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu DN của các ngân hàng
NHNN sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu DN của các ngân hàng

Hiện một số ngân hàng đã công bố về đích sớm với lợi nhuận vượt kế hoạch năm 2021, số còn lại cũng kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Không ít ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm, nên dự báo vượt xa chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2021 như: Viet Capital Bank, SeABank lần lượt đạt 385 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, dù dịch Covid 19 tác động nhưng nhằm bù đắp phần lợi nhuận giảm do hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng nỗ lực tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm, thu ngoài lãi...

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là một trong số ít ngân hàng hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh năm sớm nhất hệ thống. Ngay từ tháng 10/2021, MSB lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng và vượt 40% kế hoạch cả năm. Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho hay, dự kiến ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.

Gây chú ý hơn hết là thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB, lũy kế hết quý III đã tăng lên 2.448 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ 2020, trong đó đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động phân phối bảo hiểm.

Thương vụ bancassurance điển hình trong năm 2021 có thể kể đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential. Ước tính hợp đồng trên với công ty bảo hiểm Prudential có thể đem về cho MSB 3.500 tỷ đồng phí trả trước. Trước đó, đầu năm 2020 MSB hợp tác với bảo hiểm Bảo Minh. 

Cũng tăng trưởng mạnh nhờ phân phối bảo hiểm, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB trong 9 tháng vừa qua đạt hơn 5.656 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tăng tới 43,6% so với mức 3.937 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Tại SeABank, báo cáo tài chính quý III/2021 cũng cho thấy thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 9 tháng là hơn 186 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 106 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Qua đó, giúp thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SeABank đạt hơn 812 tỷ đồng sau khi đã trừ đi các chi phí cho hoạt động dịch vụ.

Bên cạnh các ngân hàng trên, 2 ngân hàng khác là Techcombank và VPBank cũng tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí "trả trước" cao hơn trong năm 2021.

Theo bảng ước tính của Yuanta Việt Nam, phí trả trước dựa trên một số thương vụ bancassurance gần đây, VPBank có thể tái đàm phán bancassurance với khoản phí 8.000 tỷ đồng. Techcombank nhận phí trả trước 1.500 tỷ đồng từ hợp tác độc quyền bancassurance với Manulife…

Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho hay, tình hình kinh doanh bảo hiểm quý III và 9 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng tích cực, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng tư vấn bảo hiểm qua hệ thống online và cung cấp đầy đủ các thông tin qua hình thức trực tuyến, nên không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian giãn cách.

Chứng khoán, trái phiếu DN hút tiền ngân hàng

Một điểm đáng chú ý trong những tháng qua là nhiều ngân hàng kinh doanh chứng khoán, và lãi rất đậm trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên cơn “sốt”. Trong đó, không thể không kể đến Sacombank. Mặc dù tổng lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này trong quý III giảm mạnh 53% so với cùng kỳ, do hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác giảm mạnh, nhưng lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán tăng 11 lần, đóng góp vào lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng tăng 39,7%, lên 3.249 tỷ đồng.

Techcombank lãi lớn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công ty chứng khoán thành viên TCBS - một trong những công ty chứng khoán đứng đầu trong lĩnh vực tư vấn phát hành trái phiếu DN. Thực tế, gần một nửa lãi thuần hợp nhất từ mảng chứng khoán của ngân hàng này do các công ty con đóng góp, với chủ yếu đến từ TCBS. Mảng chứng khoán đầu tư cũng mang về cho OCB gần 500 tỷ trong quý III, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, khoản lãi từ mảng này đạt 1.222 tỷ, tăng gần 40%.

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu: Trái phiếu DN, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng.

Sự bùng nổ của thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN trong những năm gần đây đang mang lại khoản lợi lớn cho các ngân hàng có thế mạnh ở phân khúc này, đặc biệt là những nhà băng sở hữu các công ty chứng khoán thành viên như Techcombank, VPBank, TPBank, MB...

Thống kê từ kết quả kinh doanh của 26 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, 9 tháng năm 2021, 24/26 ngân hàng có lãi từ chứng khoán đầu tư. Thu được lợi nhuận “khủng” nhất là VPBank khi đạt hơn 2.366 tỷ đồng, gấp tới 2,7 lần so với mức 871 tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của VPBank ở mức 75.145 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao là trái phiếu DN với gần 41%.

Đứng thứ hai là Techcombank với thu nhập từ chứng khoán đầu tư lên tới 1.472 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tại ngân hàng này, trái phiếu DN chiếm tới 62,5% tổng giá trị đầu tư.

Tại TPBank, mảng mua bán chứng khoán đầu tư mang về 1.462 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động. Trong đó, trái phiếu DN chiếm 25% tổng giá trị. Hoạt động chứng khoán cũng mang về cho MB khoản lãi gần 408 tỷ đồng trong quý III và 1.428 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng lần lượt 162% và 64%.

Năm 2022, phân tích của các công ty chứng khoán đều tỏ ra lạc quan với ngành ngân hàng Việt Nam. Mặc dù nhìn thấy nhiều triển vọng ở năm 2022, tuy nhiên phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, các ngân hàng cần kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn một số bất cập. Trong đó, vẫn còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng, bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN... cần phải hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Phải kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.