Kinh doanh ế ẩm, đua nhau "bỏ hàng ra hè"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều người vì bước đường cùng phải từ bỏ cửa hàng để ra bán hàng trên vỉa hè đã không ngần ngại khẳng định từ ngày chuyển ra vỉa hè, hàng hóa bán đắt gấp 5, gấp 10 lần thời kỳ còn bán trong cửa hàng. Lợi nhuận từ đó cũng được tăng lên.

Không gánh nổi chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, để sống sót và đảm bảo nguồn thu không bị hao hụt, nhiều ông chủ, bà chủ đã phải trả cửa hàng để ra bán hàng vỉa hè.

Và lợi thế của bán hàng vỉa hè đã giúp được không ít người thoát khỏi thua lỗ, đồng thời dần chứng tỏ "bỏ hàng ra hè" đang trở thành một trào lưu thịnh hành trong thời kỳ kinh doanh ế ẩm.

Nơi kiếm sống mới

Lê Thị Thu Hương, sinh viên năm cuối ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vừa sang nhượng cả một shop quần áo lớn trên đường Chùa Bộc để đổ hàng ra vỉa hè bán rong. Địa điểm bán mới: ngay trước cổng chợ Xanh, Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo Hương, việc bán hàng trong shop được giá hơn song phải chịu phí mặt bằng cao. Mấy tháng qua kinh doanh thua lỗ, mỗi tháng lại phải nộp 10 triệu tiền thuê nhà khiến số vốn ngày càng thâm hụt nặng. Không còn cách nào khác, Hương buộc phải sang nhượng cửa hàng sau 6 tháng mở cửa.

Đến nay, điểm bán hàng mới của Hương trên vỉa hè đường Xuân Thủy. Mặc dù tạm bợ nhưng đây đã trở thành nơi mua hàng yêu thích của sinh viên. Bán đồng giá 60.000 đồng/sản phẩm, khách hàng bình dân tìm đến chị đông hơn. Bán hàng từ 4h chiều đến 10h đêm, vì là hàng bình dân nên số lượng bán ra có thể lên tới cả 100 chiếc/buổi. Bán nhiều, lợi nhuận lớn nên Hương mừng ra mặt.

"Thường xuyên phải chạy công an nhưng mình thấy rất vui vì bán được nhiều hàng", Hương hồ hởi.

Cùng cảnh với Hương là chị Xuân Mai, chủ hiệu sách nhỏ trong ngõ 165 Xuân Thủy, Hà Nội. Đến nay, chị đã tiến hành xong thủ tục trả mặt bằng và thanh toán hết tiền thuê để đem sách, truyện tranh ra... hè phố. Địa điểm vừa mắt chị Mai nhất là khu vỉa hè ven sông Tô Lịch. "Nơi đây có nhiều người qua lại, không gian thoáng đãng và không phải mất tiền thuê mặt bằng".

Chị Mai giải thích, việc buôn bán sách gần đây khá ế ẩm, ngày bán được vài cuốn, không đủ để bù vào số tiền 5 triệu thuê cửa hàng mỗi tháng. "Mới đầu, tôi cũng chỉ định bán hàng ở vỉa hè trong thời buổi khó khăn này thôi, chứ lúc nào kinh tế và sức mua của người dân tăng trở lại tôi sẽ quay về mở cửa hàng đàng hoàng như trước. Nay thấy bán sách ngoài vỉa hè hút khách hơn nhiều nên tôi sẽ suy tính lại".

Cùng cảnh như chị Mai, anh Nguyễn Văn Ninh - một người bà con thân thiết cùng quê Ninh Bình với chị cũng vậy. Mở một nhà hàng chuyên hải sải nhưng do ít khách, tiền thuê nhân công cao, thuê mặt bằng hàng tháng đắt đỏ khiến anh Ninh không kham nổi. Sau hơn 3 tháng khai chương đã phải đóng cửa ngay.

"Giờ kiếm vài cái bàn nhựa ra bán hải sản ngoài vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài với vài món đơn giản như mực, ngao, sò nướng... nhưng quán lúc nào cũng đông khách. Tôi chẳng mất ngủ lo ế hàng như trước nữa", anh Ninh cho hay.

Vỉa hè "biến" kinh doanh từ lỗ... sang lãi

Nhiều người vì bước đường cùng phải từ bỏ cửa hàng để ra bán hàng trên vỉa hè đã không ngần ngại khẳng định từ ngày chuyển ra vỉa hè, hàng hóa bán đắt gấp 5, gấp 10 lần thời kỳ còn bán trong cửa hàng. Lợi nhuận từ đó cũng được tăng lên.

Kinh doanh ế ẩm, đua nhau "bỏ hàng ra hè" - Ảnh 1

Hương - ĐH Mỹ thuật Công nghiệp cũng vui mừng chia sẻ: "Bán ngoài vỉa hè chẳng phải lo tiền thuê mướn mặt bằng hàng tháng, khách hàng cũng dễ tính hơn nhiều. Trước, khi còn ở cửa hàng, cầm cự giỏi lắm cũng chỉ đủ tiền trả thuê cửa hàng, lỗ triền miên. Giờ bán hàng vỉa hè tuy vất vả hơn thời kì trước nhưng đổi lại, lợi nhuận hàng tháng hiện nay khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, đi lại".

"Trước đi qua các con phố, nhìn thấy kiểu buôn thúng bán mẹt cứ nghĩ lời lãi cùng lắm chỉ đủ ăn thôi. Nhưng giờ ra vỉa hè buôn bán mới thấy hết được mức lợi nhuận siêu khủng của "kênh" bán hàng vỉa hè này đem lại", Hương nhận xét

Còn với chị Xuân Mai, khi bán sách vỉa hè có cái bất lợi với những hôm gặp trời mưa nhưng đổi lại cái được lại nhiều hơn hẳn. Giờ đây hàng tháng, chị không còn phải lo tiền thuê cửa hàng, mặt bằng kinh doanh tại vỉa hè lại khá thông thoáng. Hàng từ ế ẩm chuyển sáng đắt khách...

Chị Mai chia sẻ: "Mặc dù đang là tháng giữa hè, sinh viên về quê nhiều nhưng mỗi ngày chị vẫn có thể bán vài chục quyển sách là chuyện thường, hôm nào may mắn đắt khách có thể bán tới cả trăm cuốn". Theo lời chị, từ khi chuyển sách ra vỉa hè bán, trung bình mỗi ngày chị thu lời khoảng 500.000 đồng, ngày đông khách có thể cao gần gấp đôi. Cảnh ế ẩm, rồi thua lỗ nay đã dần lùi vào dĩ vãng".

Nhiều người từng bước từ cửa hàng xuống hè phố để bán hàng giờ đây đều khẳng định vỉa hè đã trở thành cứu cánh cho dân kinh doanh nhỏ, lẻ trong thời kì khó khăn, giúp họ sống qua từng ngày để chờ đợi và hi vọng cơn bão khủng hoảng qua nhanh. Không những thế, lợi nhuận từ buôn bán trên vỉa hè ngày càng làm cho ví tiền của họ mỗi ngày một dày thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần