Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh liên tục sa sút, quỹ ngoại Singapore rút khỏi Vinasun

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do hoạt động kinh doanh liên tục sa sút, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun.

 Thua Grab, quỹ ngoại rút khỏi Vinasun. Ảnh minh họa

Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore là một trong những quỹ ngoại hoạt động năng nổ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, quỹ này nắm giữ vốn tại rất nhiều DN lớn của Việt Nam, như 5,43% vốn tại Tập đoàn Masan; 5,01% cổ phần tại Tập đoàn PAN; 3,04% vốn tại Tập đoàn FPT, 7,96% vốn tại hãng taxi Vinasun…

Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quỹ đầu tư này cho biết đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 7,96% vốn Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Trước đó, Government of Singapore đầu tư vào Vinasun từ tháng 8/2014, với giá trị khoảng 200 tỷ đồng (tương đương 45.000 đồng mỗi cổ phần). Với mức giá thoái chưa tới một nửa so với giá mua vào sau điều chỉnh, quỹ đầu tư này ước tính chịu lỗ gần 120 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn khỏi Vinasun của cổ đông ngoại Government of Singapore diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống, cùng với đó là giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh.

Mặc dù ban lãnh đạo khẳng định DN này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ khi thành lập, công ty mới đây vẫn thông qua việc cắt giảm kế hoạch năm thứ tư liên tiếp.

Năm 2018, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu xấp xỉ 2.160 tỷ đồng, giảm khoảng 1.070 tỷ đồng so với thực hiện năm trước. Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ vận tải và nhượng quyền thương mại dự kiến đóng góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ thanh lý tài sản.

Với kế hoạch doanh thu giảm mạnh do vấp phải sự cạnh tranh thị phần quyết liệt từ các hãng taxi công nghệ, công ty cũng dự báo lợi nhuận sau thuế giảm phân nửa so với năm trước, xuống còn 95 tỷ đồng và trở thành mức thấp nhất trong vòng chín năm trở lại đây.

Kết quả đi xuống cùng với việc chưa tìm ra hướng kinh doanh phù hợp đã khiến cổ phiếu VNS liên tục giảm thời gian qua. Hiện, VNS chỉ được giao dịch với giá dưới 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 3 lần so với đỉnh giá năm 2014, và giảm hơn 40% trong vòng 1 năm qua.

Sau khi GIC thoái toàn bộ vốn, cổ đông lớn nhất của Ánh Dương vẫn là ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch HĐQT công ty với 24,92% vốn nắm giữ, tiếp đến là quỹ Tael Two Partners Ltd sở hữu 12,4 triệu cổ phiếu, tương đương 18,3% vốn DN. Ông Đặng Thành Duy - Phó tổng giám đốc Vinasun, con trai ông Thành, nắm giữ 7,97% vốn tại đây.