Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh thực phẩm bẩn: Tội ác phải bị trừng trị nghiêm khắc

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì lợi nhuận, những người kinh doanh thực phẩm bẩn bất chấp thủ đoạn, gián tiếp hủy diệt đồng loại. Phải nhìn nhận hành vi này là tội ác, cần bị trừng trị nghiêm khắc.

Liên tiếp phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, giả
Mới đây, ngày 10/7, Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với các lực lượng đã bắt giữ một xe tải đang vận chuyển thực phẩm bẩn; lái xe được xác định tên Nông Thanh Thân (sinh năm 1996, trú tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển hơn 3 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: 1.800kg nội tạng động vật, 89kg chân gà, 365kg thịt bò, 430kg thịt gà, 380kg chả mỡ nướng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và các giấy tờ có liên quan theo quy định. Lái xe khai nhận được anh Nguyễn Thanh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thuê lái xe ô tô chở số hàng hóa trên từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh với giá 3 triệu đồng.
 Quản lý thị trường thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cao Nguyên
Tại Hà Nội, liên tiếp thời gian qua, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vận chuyển, lưu thông thực phẩm bẩn với số lượng lớn.
Mới đây, ngày 7/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 19 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thạch Thất đột xuất kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm Minh Quý tại xã Kim Quan (huyện Thạch Thất) đã phát hiện hơn 3 tấn thực phẩm gồm các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc.

Chiều 4/7, Cục QLTT Hà Nội cho biết, Đội QLTT số 5 phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện nghi vấn, tiến hành dừng, khám xe vận tải mang biển số 51D-493.62 do ông Nguyễn Viết Dũng (sinh năm 1993, HKTT: Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) điều khiển, tại km 188+300 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thuộc địa bàn Hà Nội. Lực lượng chức năng phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng động vật bao gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc... đựng trong các thùng xốp và bao tải dứa màu xanh.
Phần lớn các loại hàng hóa đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài. Trong số đó, mặt hàng nầm lợn đã bốc mùi hôi thối. Phần lớn hàng hóa được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc, sau đó thuê phương tiện vận chuyển vào tiêu thụ trong cửa hàng, quán ăn vỉa hè khu vực miền Nam.
Cuối tháng 6 vừa qua, người dân, đặc biệt là giới trẻ - những người ưa chuộng trà sữa, loại đồ uống đang thịnh hành hiện nay - không khỏi hoang mang khi lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal tea, Gongcha... không rõ nguồn gốc và có dấu hiệu hàng giả tại Công ty TNHH Mr. Dink Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều thùng hàng bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi, dưới nền các kho hàng ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.

Xử lý tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra

Theo luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh hay thực phẩm bẩn là tình trạng nhức nhối trong xã hội nhiều năm trở lại đây. Các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, hệ thống pháp luật đã thay đổi nhiều để đấu tranh phòng, chống vấn nạn này và đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên thực phẩm bẩn vẫn là một vấn nạn khó có thể hết nóng trong cuộc sống của người dân.
Từ đặc thù của Việt Nam là phổ biến loại hình kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, buôn thúng bán mẹt, chợ cóc chợ tạm, hàng quán vỉa hè rất nhiều, trong đó có rất nhiều cửa hàng ăn, cửa hàng bán thực phẩm. Mặc dù đem lại sự tiện lợi cho người dân nhưng các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng ăn nhỏ lẻ này không được quản lý đầy đủ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, nhiều ngành nghề liên quan đến kinh doanh thực phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Luật An toàn thực phẩm cũng quy định về các điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Để được tiến hành kinh doanh, các cơ sở này phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh không có địa chỉ cố định… theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện an toàn vệ sinh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra.

Kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác

​Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, về chế tài hành chính, căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tối đa là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong đó, có những hành vi vi phạm bị xử phạt rất nặng như các hành vi được quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này là sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy…
Mức phạt tiền 100 triệu đồng có thể là lớn đối với nhiều người nhưng so với lợi nhuận mà nhiều kẻ thu được từ hoạt động kinh doanh thực phẩm bẩn, so với hậu quả mà những đối tượng này gây ra đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội thì không phải là nhiều.

Về trách nhiệm hình sự, người vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự. Tội này quy định các hành vi như sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên… Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm.

“Ngoài ra, người kinh doanh thực phẩm giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực - thực phẩm, phụ gia lương thực thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù chung thân. Về quy định của Bộ luật Hình sự, hình phạt cho người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã đủ tính răn đe nhưng các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này còn rất ít. Phải nhìn nhận hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác, cần thiết trừng trị nghiêm khắc” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

"Về quy định của Bộ luật Hình sự, hình phạt cho người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã đủ tính răn đe nhưng các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này còn rất ít. Phải nhìn nhận hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, giả là tội ác, cần bị trừng trị nghiêm khắc." - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng