Kinh hãi khi dây diều cứa đứt cản trước ô tô ở Hà Nội

Đạt Lê (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây vụ việc hy hữu vừa xảy ra khi trường hợp một lái xe đang trên đường Gia Thượng hướng đi cầu Đông Trù (quận Long Biên, Hà Nội) thì cản trước, đèn chiếu sáng chiếc ô tô bị cứa đứt do vướng phải dây diều.

Ngày 1/8, anh Nguyễn Hồng Quân (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội: "Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 30/7, anh chạy ô tô trên đường Gia Thượng hướng về cầu Đông Trù thì bất ngờ bị đoạn dây diều (loại dây amiang) liệng xuống đường, cứa đứt cản trước của xe".

"Nếu là diều nhỏ thì không bàn tới, nhưng những người chơi tại đây đều chơi loại diều sáo ngoại cỡ, dùng dây cước loại to để thả diều. May mắn là tôi đi ôtô, chứ nếu di chuyển bằng xe máy thì không biết hậu quả sẽ như thế nào", anh Quân chia sẻ.

Hình ảnh dây diều cứa đứt cản trước xe ô tô của anh Nguyễn Hồng Quân.
Hình ảnh dây diều cứa đứt cản trước xe ô tô của anh Nguyễn Hồng Quân.

Cũng theo anh Nguyễn Hồng Quân, sau khi diều "mất lái" và cứa đứt cản trước của ô tô, chủ con diều đã "bỏ của chạy lấy người" và không chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Sau khi anh Nguyễn Hồng Quân chia sẻ, đã có rất nhiều người quan tâm và bình luận đưa ra ý kiến bất bình đối với sự việc: "Chắc thả diều sáo,diều to nên phải dùng đến những loại dây này. Sắt mà còn như kia thì vào người... ko dám tưởng tượng luôn", "Này mà cứa vào cổ thì còn gì là người nữa", "Chơi diều là thú vui, chẳng ai cấm các bạn chơi. Nhưng chơi sao đừng để ảnh hưởng đến người khác. Đây là Tính Mạng, TÍNH MẠNG ĐẤY, nếu người đi đường không may vướng vào dây diều bị đứt !!! Buổi trưa oi ả, thả sáo diều u u từ sáng tới tối. Hết chịu nổi luôn. Bó tay với thú vui kiểu này"...

Đây không phải vụ tai nạn đầu tiên mà nguyên nhân chính là do thả diều trong nội đô. Trước đó, tối ngày 24/7/2022, anh N.Đ khi đang di chuyển từ Phủ Tây Hồ về phía Thụy Khuê, bất ngờ bị sợi dây diều rơi siết mạnh ngang cổ khiến xe máy đổ nhào, trượt một đoạn, còn da cổ rách vệt dài.

Phần đèn phía trước bị hư hỏng nặng do bị dây diều cứa vào. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Phần đèn phía trước bị hư hỏng nặng do bị dây diều cứa vào. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Do đang đi với tốc độ khoảng 40km/h nên anh bị dây diều siết mạnh vào cổ, cảm giác da rách sâu, đồng thời xe cũng lập tức đổ nhào sang trái, trượt dài một đoạn.

 

Theo điểm d, khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 thì người có một trong các hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, tại khoản 3, Ðiều 4, Nghị định 14/2014 (đã được sửa đổi bởi Nghị định 51/2020) cũng có quy định cấm thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013, sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện).

Tương tự, chị Đ.L.H (sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết từng bị dây diều cứa ngang cổ khi đi qua đoạn đường gần khu vực cây cô đơn (thuộc bãi cỏ Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Chị H cho biết, khi đang đi xe máy thì thấy loáng thoáng sợi dây cước chắn ngang mặt. Sau đó, một bạn thiếu niên tầm 14-15 tuổi đã đưa tay lên thả diều lên nhưng phần cổ vẫn bị dây diều cứa nhẹ vào da.

Một trường hợp người dân bị dây diều cứa rách trên mặt đã từng xảy ra. Theo đó, vào tháng 10/2020, khi đang chạy xe với tốc độ 20 km/giờ, anh P.T.V. (32 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) vô tình mắc dây diều nằm vắt ngang đường, va vào mắt khiến gần đứt rời mí trên.

Anh P.T.V. (32 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) bị dây diều nằm vắt ngang đường, va vào mắt khiến gần đứt rời mí trên.
Anh P.T.V. (32 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) bị dây diều nằm vắt ngang đường, va vào mắt khiến gần đứt rời mí trên.

Nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển - Uông Bí với tình trạng mắt trái rách rời mí trên 3/5, còn dính 1 vạt da mỏng. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu, rửa vết thương, khâu tạo hình mí trên mắt trái, khâu vết thương mặt.

Về tai nạn trên, anh V. cho hay, thời điểm gặp sự cố, anh chạy xe với tốc độ chỉ khoảng 20 km/giờ nhưng do trời tối và dây diều bằng cước trong nên anh không nhìn thấy. Đáng nói là chiếc diều được thả bay tự do vắt ngang đường.

Các bác sĩ khoa Mắt cho biết, anh P.T.V. may mắn vì đến viện ngay và được xử trí kịp thời. Sau phẫu thuật, sụn mí phục hồi tốt tránh được tình trạng hoại tử sụn mí mắt. Nếu người bệnh đến trễ, mí mắt bị hoại tử thì quá trình điều trị sẽ khó khăn. Lúc đó, người bệnh phải tiến hành ghép da, đồng thời nguy cơ cao để lại di chứng hở mắt, dẫn đến hư nhãn cầu...

Hiện nay, trên thực tế cũng có nhiều trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra sự cố chập điện, cháy nổ. Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), trong 5 tháng đầu năm, đã có 28 vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp chủ yếu do thả diều.

Qua đó cho thấy, tình trạng thả diều ở Hà Nội tiềm ẩn rất nhiều mối hiểm họa khó lường. Đáng lo ngại là việc này đã và đang diễn ra tại một số quận nội thành, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng về lưới điện cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Điều này khiến không ít người đi đường có cảm giác bất an, đặc biệt khi đi qua các khu thả diều gần các con đường ven sông, hồ.

Điển hình như khu đất trống tại đường Gia Thượng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) mỗi buổi chiều đều có hàng chục người đến đây vui chơi, thả diều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, khi nơi đây có lượng lớn xe cộ qua lại hằng ngày rất lớn.

Ngoài ra, còn một số khu đất ở các quận huyện như: Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai... tình trạng người dân thả diều khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập cháy, điện giật, hậu họa khôn lường.