Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm hạn chế phương tiện cá nhân ở các nước - Bài 3: Thế mạnh của tàu điện ngầm

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tàu điện ngầm là phương tiện giao thông quan trọng với các thành phố phát triển, nơi các nhà quy hoạch phải đối phó với các vấn đề tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Chính phủ các nước đang phát triển đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phát triển hệ thống metro. Một số hệ thống tàu điện ngầm đã được đánh giá cao với hiệu suất tốt như tàu điện ngầm thành phố New York, Paris, London, Tokyo và Hồng Kông...

Singapore là quốc gia có mật độ phương tiện cao nhất thế giới. Với diện tích hạn chế, đảo quốc này đã chủ trương phát triển hệ thống tàu điện ngầm để giải quyết vấn đề giao thông.
Mặc dù là một quốc gia có diện tích khiêm tốn, Singapore lại có lưu lượng giao thông vào dạng nhất thế giới: 281 phương tiện/km đường, cao hơn Nhật Bản (63 phương tiện/km) và Anh (77 phương tiện/km)… Để giải quyết vấn đề giao thông, ban đầu, hệ thống xe bus được sử dụng phổ biến nhưng không hoàn toàn hợp lý do quốc gia này không đủ quỹ đất để xây dựng nhiều đường sá. Trong khi đó, một hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng là rất cần thiết để phát triển kinh tế.

 Hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore.
Trước thực trạng này, Singapore đã có chiến lược phát triển hiệu quả hệ thống tàu điện ngầm hiện đại phục vụ việc đi lại cho người dân và tiết kiệm chi phí. Trong Kế hoạch Tổng thể giao thông đường bộ, Singapore tập trung phát triển hệ thống giao thông “lấy người dân làm trung tâm”, chú trọng vào phương tiện công cộng bằng cách liên tục cải tiến dịch vụ để thay đổi dần thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân.
Đến nay, sau nhiều năm phát triển, hệ thống tàu điện ngầm đã dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến thứ 2 tại Singapore sau xe bus. Năm 2015, khoảng 3 tỷ lượt hành khách đã sử dụng tàu điện ngầm.
Tàu điện ngầm ở Hong Kong được đánh giá trong top tốt nhất thế giới
Cũng không kém cạnh là hệ thống tàu điện ngầm ở Hong Kong. Hệ thống giao thông công cộng ở Hong Kong nổi tiếng thế giới về tính tiện ích và hiệu quả khiến cho thành phố này trở thành một trong những nơi ít phụ thuộc vào xe cộ nhất thế giới. Chỉ có khoảng 710.000 phương tiện giao thông cá nhân được đăng ký sử dụng.
Trong đó, tàu điện ngầm là phương tiện giao thông thuận lợi nhất, phổ biến, hiện đại, sạch sẽ và đặc biệt chi phí thấp nhất so với các phương tiện di chuyển khác. Bất kỳ hành khách nào từng sử dụng phương tiện công cộng này tại Hong Kong đều phải có lời khen ngợi. Nếu lỡ một chuyến tàu bạn cũng chỉ phải đợi khoảng vài phút sau là chuyến kế tiếp sẽ đến rất đúng giờ.
 Hệ thống tàu điện ngầm ở Hong Kong.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Hong Kong tiện lợi và kết nối hầu hết các ngóc ngách của thành phố. Với tàu điện ngầm, người dân có thể đi lại dọc tuyến đảo Hong Kong, thậm chí xuyên qua biển để sang bán đảo Cửu Long và đến một số điểm du lịch nổi tiếng như Disneyland. Hiện hệ thống tài điện ngầm của Hong Kong dài 211km, đi qua 150 ga và phục vụ cho khoảng 3,4 triệu dân mỗi ngày. Con số này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc cung cấp phương tiện đi lại cho người dân của hệ thống tàu điện ngầm.
Tiện ích đi kèm
Với mục tiêu thuyết phục người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, chính phủ các nước đã cung cấp các dịch vụ tiện ích kèm theo. Quan trọng nhất là hệ thống thẻ thanh toán thông minh.
 Thẻ thanh toán thông minh đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Ở Hong Kong, người dân sẽ sử dụng thẻ thanh toán Octopus. Thẻ này không chỉ được sử dụng để mua vé đi tàu điện ngầm mà còn có thể mua sắm tại một số cửa hàng, siêu thị. Theo số liệu thống kê thì có hơn 95% dân số thuộc độ tuổi từ 16-65 đang sinh sống ở Hồng Kông đều có thẻ Octopus. Việc sử dụng thẻ Octopus tiết kiệm được rất nhiều nhân lực bán vé, soát vé trên các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đó, Singapore cũng có hệ thống thẻ thông minh EZ Link có khả năng thanh toán vé tàu, xe hay tại các cửa hàng bán lẻ. Nhờ có hệ thống thẻ thông minh này mà việc thanh toán tiền tàu điện ngầm trở nên vô cùng tiện lợi. Chính phủ cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí bán vé, soát vé.
Hầu hết các nhà ga tàu điện các nơi đều được thiết kế như một trung tâm thương mại với mạng không dây miễn phí, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, máy bán hàng tự động. Vì vậy, người dân có thể kết hợp việc di chuyển, mua sắm thoải mái từ nơi này sang nơi khác mà không phải lo lắng khi trời mưa gió. 

Đảm bảo an toàn tối ưu cho người sử dụng

Khi nói đến hệ thống tàu điện ngầm tiện ích và đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì phải nhắc đến Hàn Quốc. Seoul có một hệ thống tàu điện ngầm nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh.

 Ứng dụng mua vé tàu điện ngầm trên điện thoại di động.

Với lượng khách hơn 8 triệu mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm của Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm hiệu suất cao nhất trên thế giới. Tàu điện ngầm vùng đô thị Seoul có 12 tuyến phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, Tây Gangwon, và Bắc Chungnam.

 Bảng điện tử hiện thời gian chuyến tiếp theo.

Ở Hàn Quốc, người dân không cần phải mua vé lẻ mà tất cả đều được thực hiện qua ứng dụng tàu điện ngầm trên điện thoại di động. Tại các ga tàu, bản đồ chi tiết hiện diện ở mọi nơi giúp hành khách định vị đúng nơi mình cần đến. Ngoài ra, màn hình nhỏ tại ga ghi lại vị trí chính xác của đoàn tàu, giúp hành khách biết được chính xác thời gian chuyến tàu tiếp theo.

Hệ thống tàu điện ngầm được trang bị cửa chắn lên tàu  đảm bảo an toàn cho hành khách. 

Từ năm 2008, tất cả các trạm điều hành bởi Seoul Metro và SMRT đã được trang bị các plaform screen door (cửa chắn lên tàu), đảm bảo an toàn và tránh được tình trạng bị thương cho hành khách.

Ngoài ra, để thích ứng với nhiều hình thức vận chuyển khác nhau, chính quyền Seoul đã tính toán việc điều phối tàu điện ngầm, xe buýt, và lịch giao thông theo một thời gian biểu. Ngoài ra còn có các tuyến đường kết nối hệ thống này với sân bay quốc tế Incheon và sân bay Gimpo.

Hỗ trợ phát triển kinh tế

Tại Trung Quốc, với tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, tàu điện ngầm là một phương án giao thông tối ưu và cần thiết để giảm tải lưu lượng và giải bài toán tắc nghẽn giao thông. Nhiều chuyên gia nhận xét, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ bùng nổ về xây dựng tàu điện ngầm chưa từng thấy khi các TP lớn chứng kiến tình trạng tốc độ dân số đô thị đang gia tăng chóng mặt.

 Hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Năm 1950, chỉ có khoảng 12% người Trung Quốc sống ở thành thị nhưng hiện nay, tỷ lệ này là khoảng 55% và sẽ tăng lên 70% (tương đương 1 tỷ người) vào năm 2030. Dân số Thượng Hải cũng đã tăng gần gấp đôi, lên 24 triệu người - đứng đầu Trung Quốc - và dự kiến sẽ tăng lên 30 triệu người vào năm 2030. Tình trạng ùn tắc giao thông tại đây đã trở nên quá nổi tiếng.

Vì vậy, hệ thống tàu điện ngầm là phương án tháo gỡ cần thiết để giải quyết tình trạng này. Tại Thượng Hải, hệ thống metro đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, metro Thượng Hải đã có hơn 11 triệu lượt hành trình. Cùng với Tokyo và Bắc Kinh, mạng lưới metro tại Thượng Hải nằm trong số 3 trung tâm thương mại lớn nhất thế giới và đã có kế hoạch kết nối với các ga tàu điện ngầm của TP Tô Châu lân cận cách đó hơn 100 km.

 Tàu điện ngầm là lời giải tối ưu cho tình trạng tắc nghẽn.

Vừa qua, TP Thượng Hải đã quyết định mở rộng tuyến metro số 14, đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới đã khai thác lên thêm 35% vào năm 2020 với 830 km tàu điện ngầm.

Giao thông vận tải là một ngành cơ sở hạ tầng then chốt mà chính phủ muốn hỗ trợ. Chen Xiaohong - GS kỹ thuật giao thông vận tải tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, cho biết.

"Tàu điện ngầm phải được xây dựng để giải quyết các vấn đề giao thông hiện tại và tương lai. Chúng ta không thể đợi cho đến khi các con đường đều bị tắc nghẽn. Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc tiến lên phía trước”, GS Chen Xiaohong nói thêm.

Zhu Dajian - Chuyên gia về phát triển bền vững tại Đại học Đồng Tế, cho biết kết quả thu được từ đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy mục tiêu quốc gia thúc đẩy tiêu dùng trong nước để giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào sự biến động của thương mại nước ngoài.

“Hệ thống tàu điện ngầm giải quyết rất nhiều vấn đề nâng cao chất lượng của TP, giảm thời gian lái xe và tiêu thụ năng lượng", ông nói.