Kinh nghiệm làm thị trường cho doanh nghiệp Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 22/10, hàng ngàn thực khách đã đổ về Lễ hội bia Đức Oktoberfest tổ chức tại Hà Nội. Lễ hội này cũng tạo thêm cơ hội cho DN Việt Nam học tập cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN CHLB Đức, qua đó áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Quảng bá thương hiệu sản phẩm

Phát biểu khai mạc ngày hội, ông Elmar Dutt - Chủ tịch Hiệp hội các DN Đức tại Việt Nam (GBA) cho biết: Đây lần thứ 6, Lễ hội Oktoberfest tổ chức, đồng thời là một món quà của các DN CHLB Đức dành tặng cho những người yêu thích bia Đức. “Sau 6 năm tổ chức, chắc hẳn người dân Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc ít nhiều nhận ra sự chân thành và cầu thị của DN CHLB Đức chúng tôi” - ông Elmar Dutt tâm sự .
Lễ hội Oktoberfest là cơ hội cho DN Việt Nam học tập cách quảng bá thương hiệu.
Lễ hội Oktoberfest là cơ hội cho DN Việt Nam học tập cách quảng bá thương hiệu.
Đại diện Công ty CP Phân phối Hapro - đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm bia Đức tại Việt Nam cho biết: Nói đến văn hóa ẩm thực của người dân Đức là nói đến bia và xúc xích. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Oktoberfest, Công ty phục vụ người tiêu dùng (NTD) không giới hạn bia Konig’s Pilsener và bia Benediktiner nhập khẩu trực tiếp từ CHLB Đức. Đây là sản phẩm có hương vị đặc trưng, thơm ngon, đậm đà và êm dịu đã và đang chinh phục nhu cầu ngày càng cao của NTD Việt Nam. Tại Lễ hội, hầu hết những người tham gia đều có chung ý kiến: Nếu như người dân các tỉnh phía Nam thường uống bia theo cách “zô zô 100%” thì người dân phía Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng lại có một văn hóa bia rất riêng biệt. Họ uống bia chậm rãi và để thưởng thức sâu nhất mùi vị thơm ngon của bia Đức có nồng độ cao, uống vào đậm đà nhưng say êm ái lúc nào không rõ. Có nghĩa là uống ít nhưng cảm nhận được nhiều. Ngay trong ngày đầu diễn ra Lễ hội Oktoberfest, hơn 5.000 lít bia tươi cùng các giai điệu âm nhạc dân gian vùng Bavarian do ban nhạc “Anton Showband” biểu diễn đã được Công ty CP Phân phối Hapro và GBA dành tặng cho hàng ngàn thực khách tham dự.

Xác định phân khúc thị trường

Thực tế cho thấy, bia Đức nhập khẩu hiện được NTD trong nước sử dụng khá phổ biến mặc dù có giá bán cao hơn bia nội. Có được kết quả này là bởi trong thời gian qua, các DN CHLB Đức đã đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm tới NTD, đây là kinh nghiệm cho các DN Việt Nam học hỏi.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam (đơn vị thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”) cho thấy, sau 6 năm triển khai, thực hiện Cuộc vận động, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất hiện đã có vị thế và chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm không được như mong muốn. Có tình trạng đó là do DN, nhất là các DN nhỏ và vừa chưa quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm tới NTD. Về vấn đề này, ông Đào Văn Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết: Hiện có tới 98% DN nhỏ và vừa của Việt Nam thiếu chiến lược phát triển thương hiệu, một số DN đã chú ý đến xây dựng thương hiệu cho mình,  nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu năng lực tài chính, trong khi chưa xác định được đúng tầm quan trọng, nên chỉ dành lượng kinh phí nhỏ cho hoạt động xây dựng thương hiệu.  “Muốn quảng bá thương hiệu tới NTD, các DN nên xác định rõ phân khúc thị trường cần hướng tới. Nếu như các DN Việt Nam quảng bá thương hiệu trên diện rộng, không xác định phân khúc thị trường dành cho sản phẩm sẽ khiến mất một lượng kinh phí lớn nhưng kết quả thu về không như mong muốn. Chẳng hạn bia Bitburger hướng đến NTD có thu nhập khá bởi giá bán cao gấp 2 - 3 lần bia Hà Nội hoặc bia Sài Gòn” - ông Michael Meinardus - Giám đốc Marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn sản xuất bia Bitburger (CHLB Đức) chia sẻ.

Để có thể phát triển và quảng bá thương hiệu, theo các chuyên gia kinh tế, trước hết DN cần thực hiện ngay việc đăng ký bảo hộ và quảng cáo cho nhãn hiệu của mình. Bên cạnh đó, các DN cũng phải đẩy mạnh việc liên kết phối hợp, từ đó giảm thiểu mọi chi phí không cần thiết trong việc quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Nhà nước nên nới lỏng hơn khung pháp lý liên quan đến chi phí trong công tác truyền thông, marketing.