Kinh nghiệm xử lý môi trường ở Minh Khai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là xã có nghề chế biến nông sản nên vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành mối lo thường trực trong nhiều năm ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức.

Thế nhưng, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền và Nhân dân địa phương đã quyết tâm cùng nhau giải bài toán khó này để cán đích thành công NTM.

Không còn ô nhiễm

Đến xã Minh Khai vào một buổi chiều tháng 4 nắng nhẹ, con đường bê tông từ tuyến đê tả Đáy xuống UBND xã rợp bóng cây xanh in xuống mặt ao hiền hòa vẽ nên một bức tranh làng quê NTM yên bình và thơ mộng.

Nếu như 5 – 6 năm về trước, đến Minh Khai, người lạ phải đeo khẩu trang, bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc do các cơ sở chế biến bột củ dong thải ra, thì nay mọi thứ đã hoàn toàn khác.
Cảnh quan môi trường sạch đẹp, thông thoáng tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức.  Ảnh: Quang Thiện
Cảnh quan môi trường sạch đẹp, thông thoáng tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Dù chưa thực sự triệt để, song không khí của làng nghề đã trong lành, thoáng đãng hơn do người dân từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất và hệ thống cống rãnh thu gom, xử lý nước thải cũng dần được hoàn thiện.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Lợi, thôn 4, xã Minh Khai luôn thể hiện rõ sự phấn khởi khi nói về xây dựng NTM. Theo bà Lợi, nhờ có chương trình NTM, không chỉ đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khang trang hơn trước mà vấn đề môi trường đã được giải quyết tốt hơn.

Trước đây, hệ thống cống rãnh trong các khu dân cư của xã Minh Khai chủ yếu lộ thiên, thường xuyên bốc mùi xú uế của nước thải thoát ra từ các hộ làm nghề chế biến nông sản khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Tuy nhiên, từ khi xây dựng NTM, cùng với sự chung tay góp sức của người dân, hệ thống rãnh thoát nước đã được cống hóa có nắp đậy đồng bộ với các tuyến đường, góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường.

Nghề chế biến nông sản hình thành ở Minh Khai từ những năm 60 của thế kỷ trước và ngày càng có chiều hướng phát triển. Theo lãnh đạo xã Minh Khai, trước đây làng nghề sản xuất thủ công nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Hơn nữa, đa số các hộ sản xuất tinh bột củ dong sử dụng khá nhiều nước nên lượng nước thải ra rất lớn. Ước tính bình quân mỗi hộ sử dụng 100m3 nước/ngày.

Đáng nói là một lượng bã củ dong không được lọc hết cũng theo nước thải ra hệ thống cống rãnh, ao hồ phân hủy gây mùi hôi thối.

Chính vì vậy, bắt tay xây dựng NTM, Minh Khai đã đặt ra mục tiêu là phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường.

Ông Đỗ Xuân Đáng – Chủ tịch UBND xã Minh Khai chia sẻ, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, xã đã xác định hai giải pháp lớn.

Thứ nhất, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con Nhân dân, từ chế biến bột dong sang sản xuất mặt hàng ít ô nhiễm hơn.

Đây được coi là giải pháp vô cùng quan trọng để tạo chuyển biến căn bản về vấn đề môi trường. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, đến nay trên 90% các hộ sản xuất ở Minh Khai đã chuyển sang làm miến, bún, phở khô.

Đáng chú ý, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị máy móc, sử dụng ít nước hơn và thải ra môi trường ít độc hại hơn. Bình quân mỗi hộ hiện chỉ còn sử dụng 5 – 6m3 nước/ngày.

Giải pháp lớn thứ hai là hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư. “Trước đây sản xuất vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa dẫn tới nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nhưng nay đã khác một trời một vực” – ông Đáng phấn khởi cho biết.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2014, xã Minh Khai đã cán đích NTM thành công, là xã đầu tiên có nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức hoàn thành tiêu chí môi trường.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ, bởi môi trường là một trong những tiêu chí được xác định là khó khăn khi xây dựng NTM. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện. 

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Minh Khai là một trong những xã có xuất phát điểm khá khi bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều tiêu chí đã đạt

và cơ bản đạt, trong đó có những tiêu chí khó như thu nhập, giáo dục, y tế… Đây cũng là xã có nền kinh tế thuộc tốp đầu của huyện Hoài Đức do có làng nghề rất phát triển.

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, việc Minh Khai cán đích thành công NTM là sự nỗ lực đáng ghi nhận.

Bởi tác động tiêu cực của làng nghề chế biến nông sản mang lại, nhất là ô nhiễm môi trường trở thành lực cản không nhỏ cho bất cứ địa phương nào trong quá trình xây dựng NTM.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã Minh Khai có 1.600 hộ dân, trong đó có hơn 900 hộ làm nghề chế biến nông sản và cơ khí.

Đến nay, đại đa số hộ đã sản xuất theo quy trình đảm bảo ATTP, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề và giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Để có được kết quả này, theo lãnh đạo xã Minh Khai, đó là quá trình phối hợp vận động đồng bộ của địa phương từ xã tới thôn.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của địa phương, Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng cho rằng, đầu tiên cán bộ phải có tâm và nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được quan tâm hàng đầu, triển khai sâu rộng để Nhân dân hiểu cặn kẽ về xây dựng NTM.

Đặc biệt, phải có kế hoạch xây dựng các chỉ tiêu phù hợp với lòng dân, trên cơ sở đó tập trung nguồn lực, giải quyết theo thứ tự ưu tiên các hạng mục, công trình, dự án.

Nhắc đến thành công của chương trình xây dựng NTM ở Minh Khai không thể không kể đến sự tham gia chung tay góp sức của đông đảo người dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Ngoan, thôn Minh Hòa, xã Minh Khai chia sẻ, người dân rất đồng tình ủng hộ chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Không kể đâu xa, ngay như làm tuyến đường bê tông chạy qua nhà bà Hòa, mỗi hộ gia đình cũng tham gia đóng góp 5 triệu đồng, chưa kể ngày công lao động, giám sát thi công.

Bên cạnh đó, mỗi hộ chế biến nông sản cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng nên tự đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để giảm ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, nguồn vốn Nhân dân và DN đóng góp xây dựng NTM trên địa bàn xã Minh Khai đạt trên 40 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ so với nhiều địa phương khác trong quá trình xây dựng NTM toàn TP.

Dù đã hoàn thành xây dựng NTM, song xã Minh Khai xác định, nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó khăn và nặng nề hơn rất nhiều vì xã hội hiện đại đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chính vì vậy, đây sẽ là vấn đề mà xã đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xã sẽ tập trung hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho chuyển đổi các mô hình sản xuất, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân. 
Hiện nay, TP đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho cụm các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế với kinh phí khoảng gần 300 tỷ đồng. Khi công trình hoàn thành sẽ tiếp tục góp phần quan trọng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Minh Khai.
Về xử lý rác thải sinh hoạt, xã Minh Khai đang duy trì tổ thu gom rác thải gồm 8 người, thường xuyên thu gom rác từ các khu dân cư. Đồng thời xã còn ký hợp đồng với HTX Thành Công để vận chuyển rác đi xử lý kịp thời, không để ứ đọng.