Kinh phí lớn, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư tiết kiệm năng lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư tham gia giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL). Song chưa nhận được sự mặn mà từ phía doanh nghiệp khi phải bỏ nguồn kinh phí lớn đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiệu suất cao.  

Đó là thực trạng, khó khăn trong quá trình triển khai thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được nêu ra tại diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm” tổ chức ngày 20/9, tại Hà Nội do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức.

Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh
Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh

Nhận thức có, thực hiện còn hạn chế

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra những thực trạng và khó khăn trong quá trình triển khai thực thi Luật, cùng với nhiều giải pháp, trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về cơ chế, chính sách đang được Bộ Công Thương xem xét, để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp trình Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.

Theo đó, hướng sửa đổi, chỉnh sửa sẽ mở rộng đối tượng thi hành Luật và theo hướng chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc. Đặc biệt, có những chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư tham gia giải pháp TKNL.

Trả lời câu hỏi những đối tượng nào là doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm? Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết: Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Nếu TKNL tại các cơ sở doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm này tốt sẽ góp phần đạt hiệu quả, mục tiêu của Chương trình VNEEP” - ông Trịnh Quốc Vũ nói.

Đồng thời, ông Vũ cũng thông tin, trong 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 9/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020, trong đó có 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 đơn vị vận tải, 388 công trình xây dựng... với mức tiêu thụ điện bình quân là 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.

Nhận định về sự tuân thủ các quy định pháp luật của các doanh nghiệp trong việc sử dụng TKNL và hiệu quả, Phó Trưởng ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Trần Viết Nguyên khẳng định, "hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được những quy định pháp luật, cũng như những lợi ích mà TKNL mang lại, song việc thực thi tại các doanh nghiệp còn hạn chế.

Nguyên nhân bởi thiếu nguồn lực cán bộ quản lý năng lượng, nguồn lực tài chính để đầu tư các giải pháp… Tuy nhiên, qua quá trình đi khảo sát và kiểm tra trong thời gian qua cùng với Bộ Công Thương và với các chuyên gia quốc tế, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân không kém phần quan trọng là do giá bán điện của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.

Trong khi đó, Chính phủ có quy định giá bán điện cho khối sản xuất là giá điện ưu đãi, đây là chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà khi phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiệu suất cao.

Cơ bản là các doanh nghiệp đều có nhận thức về vấn đề TKNL, lợi ích mang lại, nhưng để chuyển từ nhận thức sang hành động còn rất nhiều khó khăn” - ông Trần Viết Nguyên chỉ ra.

Công cụ then chốt

Dưới góc độ của mình, TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực đánh giá, Việt Nam là nước đang phát triển, đa số trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp còn lạc hậu, việc sử dụng năng lượng hiệu quả về mặt công nghệ là chưa bằng các nước khác, nguồn nhân lực cho tư vấn triển khai các giải pháp chưa được nhiều.

Công nhân truyền tải điện Mộc Châu trên đường lên chốt kiểm tra đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân truyền tải điện Mộc Châu trên đường lên chốt kiểm tra đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên

“Hơn nữa, chúng ta mới thực thi Luật được hơn 10 năm, cá nhân tôi nhận thấy còn rất nhiều tiềm năng để thực hiện trong các ngành công nghiệp, cơ hội cho cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về quản lý năng lượng, tư vấn, kiểm toán năng lượng” - vị này nói.

Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm cho 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: Thép, nhựa, mía đường, giấy… Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành xi măng, sản xuất kính…

Bên cạnh đó, các cơ sở sử dụng năng lượng là cơ quan hành chính sự nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước cũng phải chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua hoạt động như: Đầu tư, mua sắm công, xây dựng quy chế quy định về sử dụng năng lượng tại cơ quan, công sở…

Rõ ràng, cùng với các giải pháp đảm bảo cung ứng năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm điện cho phát triển kinh tế xã hội. TKNL là công cụ then chốt giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu cân bằng phát thải (net zero) vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Nếu các doanh nghiệp này thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh.

Do đó, việc sử dụng TKNL và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

 

Trước đó, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng TKNL, sáng 20/9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tổ chức phát động cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần