Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế 10 tháng năm 2011: Nhiều tín hiệu khả quan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2011 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định là khá khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Tại cuộc họp giao ban sáng 26/10, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra nhiều con số cho thấy kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực trong 10 tháng qua. So với tháng 9, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 10 của cả nước đã đạt khoảng 167,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,55%. Tính chung 10 tháng qua, cả nước đạt hơn 1.561 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, hàng hóa phong phú và đáp ứng tốt quan hệ cung - cầu. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 chỉ tăng 0,36% so với tháng trước là mức tăng thấp nhất trong 15 tháng gần đây, cho thấy việc triển khai các biện pháp kiềm chế, thực hiện chủ trương bình ổn giá, an sinh xã hội của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực trên diện rộng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Trung, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của cả nước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng của cả nước đạt 78 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ, được đánh giá là mức tăng trưởng cao. Điều này đã làm giảm mức nhập siêu xuống còn 10,8% của kim ngạch xuất khẩu, góp phần từng bước lành mạnh cán cân thương mại.

Về tình hình kinh tế - xã hội của hai đầu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, giá trị sản xuất công nghiệp tính chung 10 tháng của Hà Nội đạt 100.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2010. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nội được đánh giá là đã dần phục hồi. 10 tháng đầu năm, ước tính cấp phép và điều chỉnh vốn cho 280 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là trên 1 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với tháng 10/2010. Công tác giải ngân vốn ODA đạt trên 1.100 tỷ đồng, gấp 1,5 lần kế hoạch giao đầu năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10, Hà Nội đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể… so với các năm 2009, 2010 mới có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp rơi vào tình trạng này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, khu vực dịch vụ và công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều tăng chậm so với cùng kì. Tính đến ngày 19/10, TP Hồ Chí Minh có 306 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 4,08% về số dự án, tăng 24,94% về vốn.