Kinh tế Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo trước những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2015, TP Hà Nội đã chủ động các kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Với sự vào cuộc tích cực của tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ – CP, “Năm DN 2015”, các chương trình hỗ trợ DN, kết nối ngân hàng – DN... đã góp phần không nhỏ giúp kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm ghi nhận đà tăng trưởng trên nhiều ngành, lĩnh vực trong khi vẫn bảo đảm bình ổn thị trường.

* GRDP của Hà Nội 6 tháng tăng 7,8% - mức cao nhất của 4 năm trở lại đây
Lắp ráp ô tô tại Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 	Ảnh: Nguyễn Đức
Lắp ráp ô tô tại Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức
Ghi nhận đà phục hồi

Theo Cục thống kê TP Hà Nội, kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nhiều ngành duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng năm 2014. Trong đó, ngành công nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng với giá trị gia tăng 6 tháng tăng 6,7%, cao hơn cùng kỳ năm 2014 (6,4%). Từ những số liệu trên cho thấy, sản xuất công nghiệp sau một thời gian dài với nhiều khó khăn và giữ nhịp độ tăng trưởng chậm đã có những tín hiệu phục hồi. Dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ ổn định và đạt mức tăng trưởng khả quan.

Thị trường bất động sản ghi nhận những dấu hiệu “ấm dần” lên. Trong khi ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây (tăng 10,5%). Giá trị gia tăng ngành dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng 8,3%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2014 (8,2%). Thị trường bán buôn và bán lẻ đã sôi động hơn, khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng tăng 10,5%. Du lịch ghi nhận lượng khách tăng trở lại (6,4%), trong đó, lượng khách quốc tế tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2014. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đạt 501 triệu USD, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phải kể đến một số dự án đang đẩy nhanh thủ tục cấp phép: Tổ hợp Metropolis Hà Nội (222,4 triệu USD), Công ty TNHH Lotte Coralis (tăng 30 triệu USD), Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon-Long Biên (15 triệu USD),... Trong khi đó, vốn FDI thực hiện đạt 460 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Sự phục hồi của nền kinh tế cũng chứng kiến sự gia tăng trở lại của số DN đăng ký thành lập mới. Tính đến 15/5, số DN đăng ký thành lập mới là 6.717, tăng 22,1%; vốn đăng ký đạt 42.498 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 1.288.421 tỷ đồng, tăng 16,09%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 1.101.868 tỷ đồng, tăng 19,56% so với cùng kỳ năm 2014… Bên cạnh đà phục hồi của nền kinh tế, cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn TP được bảo đảm không có đột biến về giá.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP chứng kiến sự suy giảm (giảm 1,2%). Kim ngạch nhập khẩu tăng 2,1%. Thực tế trên cho thấy, bài toán thị trường vẫn đang đặt ra cấp thiết với các ngành sản xuất của Hà Nội.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn cho biết, có được những kết quả trên bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của TP cũng có tác nhân không nhỏ từ việc triển khai tốt Nghị quyết 01/2015/NQ-CP; Nghị Quyết 19/2015/NQ – CP… cùng với các chương trình, kế hoạch của TP được triển khai một cách đồng bộ đã góp phần giúp các ngành kinh tế trên địa bàn TP lấy lại đà tăng trưởng. Ngoài ra, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN.

Cùng với đó, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc DN được tăng cường. Nhiều vướng mắc về cải cách hành chính, đặc biệt với các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký thành lập DN... đã được giải quyết kịp thời. Riêng lĩnh vực thuế, lần đầu tiên, cơ quan thuế đã triển khai "Tháng hỗ trợ người nộp thuế thực hiện chính sách thuế mới năm 2015 và quyết toán thuế năm 2014". Và trong 4 tháng đầu năm, ngành thuế đã tổ chức 27 hội nghị đối thoại với gần 9.000 lượt người nộp thuế trên địa bàn để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thuế.

Được coi là một trong những giải pháp ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao, công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường với việc triển khai sâu rộng cơ chế một cửa trong nhiều lĩnh vực, tạo thuận lợi cho người dân và DN như đã giảm thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày từ 1/1/2015; Việc áp dụng thu thuế điện tử, hải quan điện tử đã tạo điều kiện cho các DN làm các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi.

Từ những kết quả trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cần một chiến lược, giải pháp dài hạn đi cùng với đó là những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, tăng tính tự trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành… Điều đó góp phần không nhỏ giúp kinh tế Thủ đô nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung phát triển bền vững hơn.