Kinh tế Hà Nội sẽ về đích sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí là đầu tàu, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững.

9 tháng đầu năm, kinh tế Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông - lâm - thủy sản phát triển toàn diện.

Phát huy vai trò đầu tàu

Trong quý III/2015, kinh tế Thủ đô tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,2% - cao hơn các quý trước và cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GRDP tăng 8,3%, đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong đó, ngành dịch vụ đóng góp lớn nhất cho GDP Hà Nội với mức tăng 8,8%, sau đó là ngành công nghiệp xây dựng tăng trưởng 8,2%. 

Theo Cục Thống kê Hà Nội, những tháng gần đây, chỉ số sản xuất CN luôn đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2014 đã phản ánh về sự hồi phục sản xuất CN, tuy chưa thực sự đột phá nhưng cho thấy sự phục hồi khả quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới. Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình sản xuất trên địa bàn Hà Nội sẽ ổn định và đạt mức tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2014.
 
Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long. 	Ảnh: Anh Đức
Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Anh Đức
Tình hình kinh tế trên địa bàn có những dấu hiệu khả quan trong bối cảnh nhu cầu được cải thiện. 9 tháng đầu năm, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội tăng 10,7%, trong đó bán lẻ tăng 10,5%; Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 11,5%. Xuất khẩu trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm đạt 8.118 triệu USD, tăng 0,2%. Ngành xây dựng tiếp tục chuỗi đà phục hồi và tăng trưởng, quý III ước tăng 11,9%, lũy kế 9 tháng tăng 11%, cao hơn mức cùng kỳ của 2 năm trước (lần lượt là 8% và 9%). Cùng với đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 0,1% so với tháng 8, bình quân 9 tháng, CPI tăng 0,71%, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Điều đáng ghi nhận, Hà Nội đã tận dụng thế mạnh là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía Bắc để thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Những năm qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phân phối diễn ra khá mạnh với sự xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: BigC, Parkson, Lotte… góp phần tạo dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.

Thu hút nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3.300 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,5 tỷ USD. Xét về số lượng dự án được đầu tư, Hà Nội xếp thứ hai, với hơn 3.100 dự án, chỉ sau TP Hồ Chí Minh.

Để thu hút FDI, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tích cực tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN. Những thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch. Việc áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Ngoài việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, đến nay, tín dụng tại Hà Nội qua hệ thống các NHTM có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp rưỡi so với tăng trưởng huy động vốn và tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành (tăng 10,23% đến hết tháng 8).

Kết quả số DN đăng ký thành lập mới trong quý tăng tới 37,6% so với cùng kỳ 2014 với 14.142 DN được cấp mới, nhiều DN mở rộng kinh doanh làm ăn có lãi, nhờ đó tổng thu NSNN trên địa bàn 9 tháng ước đạt 105.886 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song kinh tế Hà Nội vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như số DN ngừng hoạt động (giải thể, tạm ngừng kinh doanh hay bỏ địa chỉ kinh doanh) còn cao: 10.523 DN tăng 27,5% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh chung lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm, tháng 9 khách Quốc tế vào Hà Nội khoảng 173,3 ngàn lượt người, giảm 6,8% so với tháng trước. Ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp, chỉ đóng góp 0,1% vào mức tăng chung. Một số ngành sản phẩm sức tiêu thụ còn chậm, lượng tồn kho ứ đọng kéo dài như sản xuất đồ uống, thủ công mỹ nghệ mây tre đan, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu… báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội đánh giá.

Tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, trong đó, 3 tháng cuối năm TP phấn đấu đạt mức tăng trưởng 11,2% để cả năm đạt từ 9 - 9,5% theo mục tiêu đã đặt ra. Trong đó, TP sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là trọng tâm xuyên suốt, Hà Nội sẽ tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch… Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tiến độ, khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung để phân vùng các khu công nghệ cao, quy hoạch hợp lý các khu công nghiệp... Bên cạnh đó, TP cũng phải chuẩn bị tốt hệ thống cơ sở hạ tầng... để thu hút đầu tư.

Trong giai đoạn tới, sau khi Chính phủ hoàn tất đàm phán và bắt đầu triển khai thực hiện hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác chủ yếu, đồng thời chuẩn bị hoàn tất việc triển khai các cam kết kinh tế xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường các công tác hỗ trợ để giúp các DN tận dụng những cơ hội tốt do hội nhập quốc tế mang lại. “Chính quyền TP cam kết sẽ không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; Thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các NĐT; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT kinh doanh” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

 
Hà Nội hiện là một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI. Năm 2015 và 2016, Hà Nội phấn đấu thu hút được từ 1,4 - 1,5 tỷ USD; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi; triển khai hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư FDI trên địa bàn TP...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần