Kinh tế Quảng Nam có nhiều điểm sáng trong quý I/2025
Kinhtedothi - Chiều 4/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025.
Công nghiệp giữ vai trò chủ lực
Theo báo cáo, quy mô nền kinh tế (GRDP giá hiện hành) của tỉnh ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4%) so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%; khu vực dịch vụ chiếm 40,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 16,1%.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam thời gian qua có nhiều điểm sáng.
Tổng giá trị tăng thêm (VA) của các ngành kinh tế ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 4,1%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (tăng 10,1%); khu vực dịch vụ ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 8,1%).
Trong đó, công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,8% so với cùng kỳ. VA toàn ngành công nghiệp ước tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,48 điểm phần trăm.
Riêng tình hình đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư còn nhiều thách thức. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2024, có 307 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,42%, số vốn đăng ký đạt 1.426,91 tỷ đồng, giảm 1,28%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 192 doanh nghiệp, giảm 10,28%. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 499 doanh nghiệp, giảm 1,77%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 826, tăng 16,01% so với cùng kỳ.
3 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 623,68 tỷ đồng; cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 12,34 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.177 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 230 nghìn tỷ đồng và 205 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn.
Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng hai con số
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, địa phương phấn đấu GRDP năm 2025 tăng trưởng 10%. Do đó, trong quý II phải tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Cụ thể, tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn kế hoạch năm 2024 kéo dài thời gian thanh toán; tích cực hỗ trợ, triển khai các dự án, công trình theo kế hoạch, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn năm 2025 theo quy định. Tập trung theo dõi, chỉ đạo triển khai các dự án mang tính động lực, lan tỏa như các dự án Tập đoàn Thaco, Nam Hội An, Geleximco…
Hoàn thành rà soát các công trình, dự án gây lãng phí, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các dự án, công trình vào hoạt động, không để nguồn lực bị tồn đọng, thất thoát, lãng phí; nhất là trên lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công… Đồng thời rà soát số lượng trụ sở và trang thiết bị dôi dư khi sắp xếp các đơn vị hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo.
Đối với những vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua về việc giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với người dân, chứ không phải do hạn chế về năng lực hay trình độ. Dẫn chứng vụ việc huyện Thăng Bình chậm cấp bìa đỏ suốt 7 năm, ông Lê Văn Dũng cho rằng đây không phải vấn đề khó giải quyết, mà phản ánh trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Trước tình trạng này, tỉnh đã yêu cầu kiểm điểm và đề xuất áp dụng chế tài mạnh để xử lý vi phạm, đồng thời xem đây là lời cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

Quảng Nam sẽ xoá hơn 10.000 nhà tạm, dột nát trong năm 2025
Kinhtedothi - Quảng Nam sẽ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.013 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, xây mới 6.865 nhà; sửa chữa 3.148 nhà.

Đầu năm, Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho rằng công tác giải ngân của nhiều địa phương, đơn vị còn hạn chế, vì vậy phải nhìn thẳng, nói thẳng vấn đề để tìm hướng tháo gỡ.

Quảng Nam là điểm sáng phát triển khá của cả nước
Kinhtedothi - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Quảng Nam huy động mọi nguồn lực để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng phát triển khá của cả nước.