Kinh tế số, tiên phong phải từ cơ quan quản lý

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế số là xu thế của thời đại, do đó, nền kinh tế Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng quay này. Kinh tế số rất có lợi cho DN, cơ quan quản lý Nhà nước và nền kinh tế.

 Ảnh minh họa
Thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ sang nền kinh tế số, điều này góp phần vào hoạt động của cả nền kinh tế được trôi chảy và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực hiện có. Việt Nam có số người sử dụng điện thoại thông minh rất lớn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cao, nhưng sự chuyển hóa của công nghệ số trong nền kinh tế lại chưa được như mong muốn.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Muốn kinh tế số phát triển phải có những quy định mang tính pháp lý đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước phải là nơi đi đầu trong chuyển đổi số.

Với một nền kinh tế đang có những bước chuyển lớn, việc chuyển đổi số lại càng cần thiết và phải được đẩy mạnh hơn nữa. Như hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội cũng như thanh toán. Có như vậy thì chúng ta mới có thể bứt lên đuổi kịp các quốc gia xung quanh, như Thái Lan, Lào, Campuchia… Vì thế trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Mặc dù lĩnh vực này thời gian qua đã có sự đổi mới nhanh, nhưng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội, đặc biệt trong thanh toán và quản lý xã hội vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn các DN của Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa (NVV), với số vốn mỏng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh chưa nhiều. Máy móc thiết bị của nhiều DN đã quá lạc hậu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số của các DN còn gặp nhiều khó khăn, việc các DNNVV quan tâm đến kinh tế số vẫn chưa được đầy đủ.

Có một điều không thể phủ nhận, đó là việc chuyển đổi số của các ngân hàng còn chưa thực sự quyết liệt để hỗ trợ cho công nghệ số phát triển. Bởi vì, khi ngân hàng ứng dụng công nghệ số nhiều thì việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ tăng lên, từ đây sẽ buộc các DN phải tự thay đổi để đáp ứng với sự phát triển của công nghệ số của các ngân hàng. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước thời gian gian qua cũng đã có một số bộ, ngành rất tích cực chuyển đổi công nghệ số, nhưng khách quan nhìn nhận thì vẫn còn trì trệ. Đơn cử, hiện nay khi vào các trang web của một số bộ, ngành có những thông tin 6, 7 tháng không cập nhật thì làm sao có thể phát triển công nghệ số.

Như vậy, để công nghệ số phát triển thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải tích cực hơn mới thỏa mãn những đòi hỏi cũng như yêu cầu từ phía DN và người dân. Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, để làm được việc này, thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có kế hoạch và lộ trình để chuyển đổi số ở tât cả các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, tại các ngân hàng và những dịch vụ công cộng phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ số. Trên cơ sở đó sẽ buộc các DN cũng phải đi theo con đường chuyển đổi số.

Thứ hai, Nhà nước cần có sự ưu tiên, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, ví dụ như mở rộng các hoạt động wifi miễn phí tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư hoặc những khu vực kinh tế hoạt động nhộn nhịp.

Thứ ba, cần có những quy định mang tính pháp lý để buộc các cơ quan quản lý Nhà nước, nơi đáp ứng những yêu cầu về dịch vụ công cộng phải là người đi đầu trong chuyển đổi số. Đây sẽ là những chỉ tiêu cứng với những nhà cung ứng dịch vụ công. Có như vậy mới có thể trở thành đòn bẩy giúp DN đi nhanh vào con đường số hóa.