KTĐT - BBC bình luận nếu đúng như những gì công bố, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới do Nhật được dự báo suy thoái với mức -6% trong năm 2009.
Với tốc độ tăng trưởng quý cuối năm 2009 là 10,7% và cả năm 8,7%, kinh tế Trung Quốc có cơ vượt Nhật Bản để xếp vị trí thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm qua cho biết kinh tế nước này đã có bước phát triển ngoạn mục đặc biệt vào quý cuối cùng của năm 2009. Tốc độ tăng trưởng quý IV bỏ xa kết quả 6,2% trong quý I, 7,9% trong quý II và kể cả mức cao chót vót 9,1% của quý III.
Tổng sản phẩm quốc nội đạt 4.900 tỷ USD, tăng 8,7% so với 2008, vượt chỉ tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra hồi đầu năm. Kết quả này đạt được có một phần không nhỏ của gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD. Doanh số bán lẻ năm 2009 đã tăng 16,9% nhờ chính sách khuyến khích chi tiêu nội địa để bù đắp cho hoạt động xuất khẩu.
"Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động ghê gớm tới các nền kinh tế, cũng như những khó khăn trên thị trường nội địa, Chính phủ đã lường trường tình hình, đưa ra các quyết sách quan trọng để tất cả đồng tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn. Các biện pháp này đã chặn đứng đà suy giảm và Trung Quốc trở thành nước đầu tiên thoát khỏi suy thoái", CNN trích lời phát biểu của Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Ma Jiantang.
BBC bình luận nếu đúng như những gì công bố, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới do Nhật được dự báo suy thoái với mức -6% trong năm 2009. Tuy nhiên rất khó so sánh giữa Trung Quốc và Nhật Bản xem ai hơn ai, bởi đồng nhân dân tệ đang bị định giá chưa sát thực tế. Hơn nữa, một vài chuyên gia tỏ ý hoài nghi về độ chính xác của số liệu thống kê mà Trung Quốc vừa công bố.
Người ta cũng bắt đầu lo lắng về nguy cơ bong bóng tài sản tại Trung Quốc. Với nguồn hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng, giá bất động sản ở một vài địa phương đã tăng gấp rưỡi thậm chí còn cao hơn thế. Bản thân Bắc Kinh cũng tiên liệu nguy cơ này, nên gần đây đã có các biện pháp siết chặt cho vay mua nhà.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn yêu cầu các ngân hàng hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nhiều khả năng tổng vốn cung ứng cho nền kinh tế 2010 chỉ đạt 7.500 tỷ tệ (khoảng 1.100 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 9.590 tỷ tệ năm ngoái. Đầu tuần, lần đầu tiên trong 18 tháng qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5 điểm phần trăm. Các chuyên gia tính toán khoảng 250 tỷ nhân dân tệ sẽ bị đông cứng trong các tài khoản dự trữ bắt buộc khi các ngân hàng thực hiện tỷ lệ dự trữ mới.
"Nỗ lực của Trung Quốc trong việc yêu cầu các nhà băng hạn chế cho vay sẽ ảnh hưởng đến các hãng tiêu dùng quốc tế. Bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ", CNN trích lời phát biểu của ông David Chalupnik, chuyên gia quỹ First American Funds.