Kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp phát triển bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ít tài nguyên, khi nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt...

Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn - Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Kinh tế Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và mục đích cao nhất là bảo vệ cuộc sống con người; lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển bền vững.
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiên. Ảnh: Khắc Kiên
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế.
Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. “Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” - Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng rất hữu hiệu và phù hợp với tất cả các nền kinh tế, trong đó ý thức bảo vệ môi trường đi liền với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường trong quá trình tăng trưởng nhanh, bền vững của hoạt động kinh tế. Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn và đó là hành động thực tế nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao tính nhân văn...
Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam Lê Thị Ngọc Mỹ cho rằng, doanh nghiệp đã chuẩn bị thực hiện việc này để phù hợp xu thế và đón nhận những cơ hội mới. Ảnh: Khắc Kiên
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam Lê Thị Ngọc Mỹ chia sẻ, để góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, đơn vị chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững. Hiện, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo.
Riêng năm 2019, Công ty thu mua 40.000 tấn vỏ trấu và các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất đã mang lại thu nhập 52,6 tỷ đồng cho người dân. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Hiện, Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất.