Kinh tế Việt Nam 2022 - 2023: Lạm phát vẫn là nỗi lo lớn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục phục hồi với những triển vọng tươi sáng nhưng rủi ro, thách thức mới cũng xuất hiện. Đặc biệt, lạm phát dự báo đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Đây là ý kiến của nhiều diễn giả tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 12/5.

GDP tăng 6 - 7% nhờ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư

Năm 2020 - 2021 dù ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 nhưng GDP giai đoạn này được duy trì tăng trưởng dương chủ yếu nhờ tăng trưởng XNK và đầu tư, nhất là đầu tư FDI. Tiêu dùng suy giảm nhưng đang trên đà hồi phục.

Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Theo các chuyên gia, triển vọng GDP 2022 - 2023 tiếp tục được củng cố nhờ 3 yếu tố trên. Theo đó, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6 - 7% trong 2 năm 2022 - 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Việt Nam có dân số trẻ và đang tăng trưởng, tỷ lệ dân số sử dụng internet cao, thu nhập dân cư tăng đều đặn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng… Các yếu tố này tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa lớn và hấp dẫn. Nền kinh tế có độ mở lớn với việc Việt Nam đã tham gia vào 15 Hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực.

Thực tế, một số ngành hồi phục mạnh sau Covid-19 như: Bán lẻ, hàng cá nhân, dược phẩm… do cầu nội địa phục hồi tốt. Trong đó, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú được kỳ vọng sẽ trở lại “bình thường mới” nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế.

Ngành xây dựng kỳ vọng vào đầu tư công, FDI và bất động sản. Một số ngành có sự phục hồi tốt đạt gần tiệm cận với tốc độ trước dịch là vận tải, kho bãi, lâm nghiệp… và logistics sẽ là điểm sáng, triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới. Số lượng hàng hoá thông quan qua các cảng biển Việt Nam dự kiến tăng trưởng từ 12 - 15% trong vòng 2 - 3 năm tới do sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu. Dịch vụ kho bãi (đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh) dự kiến tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của hoạt động bán lẻ trong nước và XNK.

Các ngành nông lâm thủy sản quý I/2022 tăng 2,45%, dự báo cả năm 2022 ở mức 2,5 - 2,52%. Công nghiệp - xây dựng tăng 6,2 - 6,6%, thậm chí ở kịch bản tích cực là 7 - 7,5%. Dịch vụ tăng 6 - 6,5%.

 

Tăng trưởng GDP 2022 - 2023 ở mức 6 - 7% với giả định xuất khẩu tăng 15 - 17%; giải ngân FDI tăng 10 - 12%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5 - 7% năm 2022 và 7 - 9% năm 2023; Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 8 - 12%. Điều đặc biệt giải ngân 2 năm Chương trình phục hồi kinh tế phải từ 70 - 90%.

(TS Cấn Văn Lực)

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ, 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi. Một số tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, Thứ trưởng Trần Đức Phương cho rằng, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường. Kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao, trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại. Lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh đã tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa dịch vụ khác.

Lạm phát được dự báo tăng gấp đôi

Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam 2022 - 2023, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, đặt trong bối cảnh lạm phát thế giới, các yếu tố nguồn cung, căng thẳng địa chính trị, với độ mở kinh tế cao, và lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng kinh tế của Việt Nam, lạm phát của Việt Nam năm 2022 có thể nằm trong khoảng 4 - 4,5%.

Từ giữa năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 50% và tiếp tục đứng ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 8 lần tăng, 3 lần giảm.

Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30 - 40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1,2 - 1,5 điểm phần trăm. Còn theo tính toán của nhóm chuyên gia BIDV, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30 - 40% so với năm 2021, CPI sẽ tăng thêm 0,3 - 0,4 điểm %, khiến CPI bình quân cả năm tăng lên mức khoảng 3,8 - 4,2%.

Dự báo lạm phát năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi so năm 2021 (lạm phát cả năm chỉ ở 1,84%). Giải pháp được ông Nguyễn Bích Lâm đưa ra bao gồm: Tháo bỏ rào cản pháp lý, kiểm soát giá xăng dầu và vật liệu đầu vào cũng như nâng cao năng lực thích ứng, quản trị của DN... điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, khi dư địa chính sách tiền tệ bị hạn hẹp do áp lực lạm phát, tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa ở mức 5 - 6% GDP trong ít nhất 2 - 3 năm. Tuy nhiên, Francois Painchaud lưu ý, chính sách này chỉ hợp lý khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả.

 

Để thực hiện thành công Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. Thứ nhất, phải khẩn trương kịp thời hiện thực hoá các hỗ trợ đến tay người dân và DN. Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực. Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

(Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được đẩy mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cần được đẩy mạnh hơn. GS Trần Thọ Đạt thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kinh tế số sẽ đóng góp quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới, là một động lực mới cải thiện năng suất lao động, giảm chi phí cho nền kinh tế. Giai đoạn 2020 - 2030 trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 6,68% đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế. Cần xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Bản thân mỗi DN trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. DN cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.