70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Việt Nam 2022: Niềm vui được mùa xen lẫn lo âu

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo có không ít khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta.

Một năm vất vả nhưng nhiều niềm vui

Trải qua nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài và trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đứng vững, vượt qua những thách thức. Từ bên ngoài, chiến sự Nga - Ukraine đã có tác động tiêu cực chưa từng thấy lên nhiều nước trên thế giới, làm tăng giá dầu, xăng, gas, phân bón, lương thực… khiến mức lạm phát tăng vọt và giảm mạnh tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế của Việt Nam.

Trong nước, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán bị lao dốc mạnh nhiều đợt dưới tác động của việc bắt giữ các chủ đầu tư phạm pháp, siết chặt kỷ luật cho vay bất động sản, phát hành trái phiếu DN riêng lẻ cũng như tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng. Năm 2022, tăng trưởng GDP Việt Nam ước đạt 8%, cao hàng đầu thế giới trong khi lạm phát hàng tiêu dùng (CPI) lại tương đối thấp hơn nhiều với hầu hết các nước, ước đạt 3,3 - 3,5%. Mức tăng trưởng hiếm có này đạt được chủ yếu nhờ các yếu tố khác nhau.

Trước hết do nền tăng trưởng năm 2021 rất thấp, do tác động tương đối lớn bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III (-6,17%), với mức tăng trưởng cả năm 2021 đạt mức thấp kỷ lục trong hàng thập niên (2,58%). Các yếu tố: Phục hồi sau đại dịch (với nhiều đặc thù), địa kinh tế và thế thời, đặc thù cơ cấu kinh tế, nỗ lực vượt khó khăn của các cấp… có vai trò quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng trong năm cả phía bên cầu lẫn bên cung.

Xét về phía cầu, tăng trưởng GDP ấn tượng trước hết nhờ đà phục hồi mạnh từ quý IV/2021 khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế, theo đó cả tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng đều tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Các yếu tố như đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát về cơ bản, tăng trưởng kinh tế khả quan, các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA bước vào năm cắt giảm thuế quan mạnh mẽ hơn, sự ổn định chính trị… là những yếu tố cốt yếu thúc đẩy FDI vào Việt Nam nhiều hơn.

Lĩnh vực ngoại thương cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Dự kiến cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD.
Nhìn về phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng cũng phục hồi khá mạnh mẽ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).

Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Khánh
Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Khánh

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng có đóng góp vào tăng trưởng trong bối cảnh giá cả đầu vào tăng mạnh dưới tác động của đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine, nhất là giá phân bón, xăng dầu. Lưu ý là, trong 11 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 8.253.000 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh sau đại dịch, với sự tăng trưởng ngoạn mục trong 11 tháng của số lượng khách quốc tế (tăng gấp 21,1 lần), vận chuyển hành khách tăng 48,7% và luân chuyển tăng 71,4%.

Chỉ số CPI được kiềm giữ ở mức tương đối thấp như đã nêu là một nỗ lực đáng ghi nhận, với tác nhân chủ yếu kéo dài trong năm là sự gia tăng giá cả giao thông, chủ yếu liên quan đến giá năng lượng (xăng, dầu) tăng mạnh. C

Cần lưu ý là mức lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp so với nhiều nước khác trên thế giới, nhất là châu Âu, Mỹ chủ yếu do ít chịu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine lên các nhóm hàng hóa chính như lương thực (gạo tăng giá thấp hơn lúa mỳ chừng 20 - 25% (Nga, Ukraine là các nhà cung cấp chính) và thịt lợn tăng giá ít hơn thịt bò (đây là những mặt hàng Việt Nam có mức sản xuất, dự trữ dồi dào). Bên cạnh đó, một số mặt hàng do Nhà nước điều tiết để giữ giá, thậm chí bù giá trong bối cảnh mức giá nhiều mặt hàng tăng…

Những khoảng tối, thách thức phía trước

Dù đã đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn những khoảng tối đã giảm đà phục hồi, nhất là giá trị của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhất là của nhà đầu tư theo đúng nghĩa đen.

Trước hết, đầu tư công đã không được giải ngân theo như kế hoạch, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch, gây lãng phí, tăng gánh nợ cho ngân sách Nhà nước. Điều này chủ yếu do các quy định về giải ngân, định giá… trong đầu tư công không thay đổi kịp với diễn biến thực tế như giá cả nguyên vật liệu, nhân công tăng mạnh. Trong đó, các quy định pháp luật có liên quan đến bất động sản còn bất cập, không nhất quán và không đủ chi tiết. Đồng thời, còn do lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương, ngành chưa quyết liệt, sợ làm sai, thậm chí lảng tránh thực hiện.

Bất cập khác là năm 2022 là năm nhiều bất ổn diễn ra trên thị trường tài chính và bất động sản, khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản, trái phiếu bất động sản, cổ phiếu bị lỗ nặng, thậm chí mất vốn, có phần từ nguyên nhân trong nước. Đáng lo ngại là thị trường bất động sản ở một số phân khúc, địa phương càng cuối năm càng trầm lắng, mất dần thanh khoản.

Năm 2023 và vài ba năm tiếp theo, dự báo có không ít khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng rất lớn là tiếp tục tăng lãi suất từ mức cuối năm 2022 là 4,375% lên mức cao kỷ lục (kể từ năm 2009) là 5,1% tính đến cuối năm 2023 do lạm phát vẫn chưa giảm bền vững, đặc biệt là lạm phát dịch vụ. Điều này tạo áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành, cân đối các nhu cầu cho vay, kiềm chế lạm phát và hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy đã được tăng room tín dụng từ 14/12, dự kiến nới điều kiện phát hành và đầu tư trái phiếu DN riêng lẻ (sửa đổi Nghị định 65), việc tăng lãi suất của Fed tiếp tục tăng áp lực rất lớn lên thanh khoản, huy động vốn cho các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, DN phát triển bất động sản – vốn đang chịu áp lực trả nợ cho trái chủ rất lớn năm 2023 và 2024, trong khi thanh khoản, giá nhiều phân khúc bất động sản giảm mạnh.

Cùng với việc hành vi đầu cơ đã lắng xuống, tâm lý nghe ngóng, chờ giá xuống của các nhà đầu tư, đầu cơ, những áp lực gia tăng này làm tăng rủi ro đóng băng, thậm chí đổ vỡ trong một số phân khúc bất động sản, nhất là khu vực nông thôn, thành thị nhỏ.

Việc mức tăng trưởng GDP được dự báo thấp hơn ở nhiều nước (ngoại trừ Trung Quốc) cùng với chỉ dấu sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu chững lại và giảm gần đây cho thấy triển vọng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của DN trong nước sẽ khó khăn hơn.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam được dự báo tồi đi, với mức tăng trưởng GDP ước giảm xuống chỉ còn 6,5 - 7%, lạm phát CPI tăng lên 4,5 - 4,7%. Tất nhiên, những chỉ tiêu dự báo này phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện gói chi tiêu công rất lớn (700.000 tỷ đồng), diễn biến chiến sự Nga – Ukraine (không leo thang đến mức rất nguy hiểm) và tính bền vững của việc Trung Quốc mở cửa kinh tế.

Những khó khăn trước mắt đòi hỏi Chính phủ, ban, ngành, DN phải nỗ lực lớn, thực hiện hữu hiệu các kế hoạch kinh tế đề ra cũng như các đối sách theo diễn biến quốc tế, trong nước để năm 2023 là năm có tăng trưởng thấp hơn song các chỉ tiêu, lĩnh vực vẫn an toàn, trong tầm kiểm soát.