Giảm thuế GTGT: Ai được giảm, mức giảm bao nhiêu, thủ tục thế nào?
Kinhtedothi- Từ1/7/2025, Nghị định số 174/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết 204/2025/QH15 của Quốc hội. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong bối cảnh tiêu dùng cần thêm lực đẩy.
Theo quy định mới, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các bước khi lập hoá đơn và kê khai thuế GTGT được giảm. Đối với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ, khi lập hoá đơn GTGT cho hàng hoá, dịch vụ thuộc diện được giảm, tại dòng thuế suất phải ghi rõ mức “8%”, kèm theo tiền thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ vào hoá đơn, bên bán kê khai thuế GTGT đầu ra, bên mua kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đúng theo số thuế đã giảm.

Ảnh minh hoạ
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hoá đơn bán hàng, cột “Thành tiền” phải ghi đầy đủ giá trị hàng hoá, dịch vụ trước khi giảm. Dòng “Cộng tiền hàng hoá, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT, đồng thời phải ghi chú rõ: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết 204/2025/QH15”.
Trong trường hợp bán nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ có mức thuế suất khác nhau, doanh nghiệp phải ghi rõ thuế suất của từng loại hàng hoá, dịch vụ trên hoá đơn. Nếu hoá đơn đã lập và đã kê khai nhưng chưa đúng mức thuế được giảm, người bán và người mua cần xử lý, điều chỉnh lại theo quy định về hoá đơn, chứng từ.
Về mức giảm cụ thể, các doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ sẽ được áp dụng thuế suất GTGT giảm từ 10% xuống còn 8%. Trong khi đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ % tính thuế GTGT khi lập hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện giảm thuế.
Theo Nghị định 174/2025/NĐ-CP, chính sách giảm thuế áp dụng cho các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, các lĩnh vực viễn thông, tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than) và các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) sẽ không được giảm thuế. Danh mục chi tiết các mặt hàng, dịch vụ không được giảm thuế được nêu cụ thể trong Phụ lục I và II ban hành kèm theo Nghị định…
Việc giảm thuế GTGT được áp dụng thống nhất tại tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, gia công đến thương mại. Các mặt hàng, dịch vụ đã thuộc diện không chịu thuế hoặc đang áp dụng thuế suất 5% theo Luật Thuế GTGT hiện hành sẽ không nằm trong phạm vi được giảm thuế lần này.
Các chuyên gia nhận định, chính sách giảm thuế lần này nếu được triển khai nhất quán, minh bạch sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, kích thích sức mua, hỗ trợ phục hồi sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh kinh tế cần thêm lực đẩy tiêu dùng.

Giảm thuế VAT xăng dầu – tạo hiệu ứng tốt tới cả nền kinh tế
Kinhtedothi – Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mặt hàng này được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn giá xăng, dầu, tạo hiệu ứng tốt lan tỏa tới cả nền kinh tế.

Giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng xuống 5%
Kinhtedothi - Mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng được giảm từ 10% xuống còn 5% trong thời gian từ nay đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ ngành xi măng trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

TS Lê Quốc Phương: Giảm thuế, tăng nhập hàng Mỹ là “át chủ bài”
Kinhtedothi - Tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ là một trong những biện pháp chính để đạt được thỏa thuận về thương mại Việt - Mỹ. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tincông nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giảm mạnh thuế cho những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập như máy bay, khí hóa lỏng, ô tô, thiết bị công nghệ, phần mềm...