Kinhtedothi - Nói như thế cũng đủ hình dung về bức tranh kinh tế năm 2014. Mặc dù mục tiêu tổng quát tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý, đổi mới mô hình tăng trưởng… đang ghi nhận những kết quả bước đầu, nhưng trước những diễn biến chung của kinh tế thế giới, đặc biệt là của tiến trình hội nhập, để tiến tới phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Kinh tế vĩ mô thể hiện ở nhiều chỉ tiêu. Quan hệ cân đối tổng quát nhất, chủ yếu nhất là quan hệ giữa GDP sản xuất và GDP sử dụng (gồm tích lũy và tiêu dùng cuối cùng). Năm 2014 tiếp tục xu hướng (từ 2012) GDP sử dụng có quy mô nhỏ hơn (chỉ bằng khoảng 98%) và tăng thấp hơn GDP sản xuất (khoảng 5,7% so với 5,93%). Điều đó chứng tỏ tổng cầu tiếp tục yếu hơn tổng cung. Diễn biến này có tác động về hai mặt. Một mặt góp phần ổn định và cải thiện các cân đối kinh tế khác. Mặt khác có hiệu ứng phụ đối với tiêu thụ, tồn kho, tiếp cận vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2014 đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Hùng Việt
|
Xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội về quy mô (cán mốc 150 tỷ USD), về tỷ lệ so với GDP (đạt 79,5%), về bình quân đầu người (1.655 USD), tốc độ tăng, cơ cấu mặt hàng, thị trường, vượt xa so với kế hoạch… nên cán cân thương mại đã xuất siêu năm thứ ba liên tiếp với quy mô khá (khoảng 2,5 tỷ USD). Cán cân thương mại thặng dư cộng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn ước đạt quy mô lớn nhất từ trước tới nay (FDI thực hiện 12,5 tỷ USD, ODA giải ngân 5,5 tỷ USD, kiều hối 12 tỷ USD, chi tiêu của khách quốc tế 7,9 tỷ USD…) đã làm cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư lớn (trên 10 tỷ USD). Diễn biến trên cộng với tâm lý găm giữ ngoại tệ không lớn, nên dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới, vượt 12 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất siêu có một phần do tổng cầu yếu, do khu vực có vốn đầu tư mang lại, nên chưa vững chắc; chính vì vậy kế hoạch năm 2015 vẫn đưa ra chỉ tiêu xuất siêu/xuất khẩu ở mức 5% (tính ra khoảng 8,25 tỷ USD).
Vốn đầu tư/GDP năm 2014 tiếp tục trạng thái (từ 2012) là thấp hơn năm trước, thấp hơn mức để dành (khoảng 0,3% GDP). Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước bị giảm, trong khi lượng vàng và ngoại tệ trong dân còn tồn đọng lớn cần được đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, vừa hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa.
Thu ngân sách đã có nỗ lực vượt dự toán và tăng so với năm trước; bội chi/GDP được giữ như năm trước và như kế hoạch. Tuy nhiên so với GDP, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tăng nhanh; phần trả nợ chiếm tỷ trọng cao.
Tăng trưởng tín dụng tính chung cả năm đạt được mục tiêu đề ra; lãi suất đã hạ; hệ số giữa tốc độ tăng tín dụng/tốc độ tăng GDP 2,1 lần, thấp hơn năm trước… Tuy nhiên, tăng trưởng âm và tăng trưởng thấp của tín dụng kéo khá dài, tác động đến sản xuất, kinh doanh; tốc độ tăng vào các ngành sản xuất còn thấp, tăng dồn vào cuối năm…
Lạm phát đã được kiềm chế ở mức (khoảng 2,5%) thấp nhất tính từ năm 2002, thấp ở tất cả các tháng, thấp ở hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ, thấp xa so với mục tiêu, thấp hơn tốc độ tăng GDP. Đó đều là những diễn biến khác thường của lạm phát năm nay. Lạm phát thấp đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng "liều lượng" khác với mục tiêu (kiểm soát lạm phát) và có hiệu ứng phụ đối với sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng hợp lý và đổi mới mô hình tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế năm nay có một số điểm nhấn. Điểm nhấn thứ nhất là có xu hướng cao lên qua các quý (quý I tăng 5,09%, quý II tăng 5,42%, quý III tăng 6,19%, quý IV ước tăng 6,59%); cao hơn 2 năm trước (tăng 5,93% so với tăng 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012), chứng tỏ tăng trưởng kinh tế đã ở trạng thái "thoát đáy" 2012, vượt dốc đi lên trong 2013, 2014…
Sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quỳnh Anh
|
Điểm nhấn thứ hai là tăng ở cả 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ), trong đó nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã cao hơn hẳn so với tốc độ tăng chung. Đây là tín hiệu khả quan chứng tỏ công nghiệp - xây dựng đã dần dần trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Điểm nhấn thứ ba là tăng trưởng kinh tế cao lên trong điều kiện lạm phát thấp hơn thì đó là kết quả kép - một kết quả mà không phải năm nào cũng đạt được.
Điểm nhấn thứ tư là tăng trưởng kinh tế theo tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu những năm trong thời kỳ 2006 - 2010, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP lên đến 39,2%, trong đó có năm ở mức cao hơn), dựa vào tăng số lượng lao động đang làm việc (tăng 2,77%/năm), thì thời kỳ 2011 - 2014, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chỉ còn 31,1% GDP (trong đó 2014 còn thấp hơn) và tốc độ tăng số lao động đang làm việc chỉ còn 1,93%/năm (trong đó năm 2014 chỉ tăng khoảng 1,4%). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư đã cao hơn (hệ số ICOR thời kỳ 2006 - 2010 là 6,2 lần - tức để GDP tăng 1% thì tỷ lệ vốn đầu tư/GDP phải đạt 6,2%, thời kỳ 2011 - 2014 là 5,4 lần). Tốc độ tăng năng suất lao động thời kỳ 2011 - 2014 cũng cao hơn thời kỳ 2006 - 2010 (tăng 3,71%/năm so với tăng 3,45%/năm). Theo đó, chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện một bước.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu lấy công làm lãi, năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng lao động còn cao; công nghiệp vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Hiệu quả của đầu tư và năng suất lao động chung còn thấp; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp đối với tốc độ tăng trưởng còn nhỏ… Công cuộc tái cơ cấu vẫn còn chậm.