Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế xã hội Sóc Trăng - “xứ kho bạc” một năm đầy khởi sắc

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang tiếng Khmer mà ra. Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Cái “xứ kho bạc” nằm ven biển, trong vùng hạ lưu Nam sông Hậu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ấy đang vươn lên mạnh mẽ khẳng định vai trò, vị thế của mình

Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,1 km, bắc qua sông Hậu, giúp rút ngắn 80 km từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP HCM. Ảnh minh họa
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,1 km, bắc qua sông Hậu, giúp rút ngắn 80 km từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP HCM. Ảnh minh họa

Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7%

Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ - đạt 7,07%. Trong đó, khu vực I tăng 3,94%; khu vực II tăng 10,3%; khu vực III tăng 8,96%. GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/người/năm, vượt gần 5,2% chỉ tiêu nghị quyết.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết: với sự đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt nghị quyết đề ra. Trong 24 chỉ tiêu Nghị quyết, có 15 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt 100% Nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Theo báo cáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng so với năm 2022, thuộc nhóm cao nhất, tăng thứ hạng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ nhất các tỉnh trong khu vực. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng so với năm 2022. Nguồn nhân lực của tỉnh tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng.

Trong năm 2024, công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng có nhiều tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp và làm việc với 90 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, toàn tỉnh có 11 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 7.182 tỷ đồng.

Gạo ST25 tiếp tục được vinh danh

Sản lượng lúa của Sóc Trăng trong năm trên 2,18 triệu tấn; tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93,4%; Gạo ST25 tiếp tục được vinh danh trong tốp Gạo ngon nhất thế giới năm 2024.

Từ ngày 5 đến 7-11 tại Manila (Philippines) đã diễn Hội nghị thượng đỉnh về lúa gạo thế giới lần thứ 16, năm 2024. The Rice Trade đã công bố giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới năm 2024”. Theo đó, gạo ST25 - Gạo Ông Cua (Sóc Trăng, Việt Nam) đã đạt giải Nhì. Với việc liên tục được công nhận thuộc Top gạo ngon của thế giới trong nhiều năm qua, gạo ST25 của Việt Nam đã giúp tăng thu nhập cho nhiều nông dân và quảng bá thương hiệu gạo thơm Việt Nam trên trường quốc tế.

Giống lúa ST25 của Sóc Trăng đã làm rạng danh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ảnh Xuân Lương
Giống lúa ST25 của Sóc Trăng đã làm rạng danh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ảnh Xuân Lương

Những đại dự án làm thay đổi diện mạo

Sóc Trăng cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương triển khai các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, của tỉnh như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư 44,691 nghìn tỷ đồng, được kỳ vọng là một trong sáu tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,1 km, bắc qua sông Hậu, giúp rút ngắn 80 km từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP HCM. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng từ ngân sách. Công trình có điểm đầu giao quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng).

Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông – Tây là dự án thuộc nhóm A, có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025. Toàn tuyến có chiều dài 56,6 km, trong đó có 44 cầu giao thông. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng, vừa phục vụ thiết thực cho chính đời sống, sinh hoạt, đi lại giao thương của người dân vừa góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang diện mạo nông thôn mới.

Đặc biệt trong năm 2024 tỉnh Sóc Trăng đã nhận tin vui khi Văn phòng Chính phủ đã có công văn (số 2392/VPCP-CN) gửi Bộ trưởng các bộ: GTVT; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL. Ảnh CTV
Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL. Ảnh CTV

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu cho biết, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn mỗi năm. Cụm cảng Trần Đề sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại ĐBSCL mà không phải chuyển đến cảng Vũng Tàu.