KKT Nam Phú Yên có 3 trung tâm phát triển chính, 6 phân khu chức năng

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khu kinh tế Nam Phú Yên có tổng diện tích khoảng 20.730 ha. Khu vực này được định hướng phát triển với 3 trung tâm phát triển chính là trung tâm đô thị sân bay; trung tâm đô thị Hòa Vinh và trung tâm đô thị thương mại ven biển và 6 phân khu chức năng.

Cơ sở pháp lý tháo gỡ các nút thắt

Ngày 7/11, tại TP Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040.

Tham dự có lãnh đạo tỉnh Phú Yên và đại diện các sở, ban ngành; đại diện các Bộ Xây Dựng, Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các tỉnh Bình Định, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk, và đại diện một số doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn.
Bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, đồ án điều chỉnh quy hoạch KKT Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Phú Yên kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của KKT Nam Phú Yên trong thời gian qua.

Qua đó, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, nhằm thu hút được những nhà đầu tư lớn, chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh và thực tế thời gian qua đã có một số nhà đầu tư lớn quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp trong KKT Nam Phú Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, Phú Yên đang mở rộng cánh cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để tìm cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế nêu trên. Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, với phương châm “Thành công của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là thành công của Phú Yên”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn phát biểu Lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch KKT Nam Phú Yên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn phát biểu Lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch KKT Nam Phú Yên.

Bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết, đồ án được phê duyệt là căn cứ để tỉnh Phú Yên tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... trên địa bàn KKT.

Bà Trần Thu Hằng lưu ý, để tổ chức thực hiện việc triển khai công tác lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch và các dự án xây dựng phải đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật theo điều chỉ quy hoạch chung KKT Nam Phú Yên.

3 trung tâm phát triển chính, 6 phân khu chức năng

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040, KKT Nam Phú Yên có tổng diện tích khoảng 20.730 ha. Quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông thuộc TP Tuy Hòa và một phần thị xã Đông Hòa.

Đây là KKT biển đa ngành, đa lãnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển. Đồng thời tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng… Đây cũng là khu vực phát triển du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ thương mại – du lịch song, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển…

Một góc Khu kinh tế Nam Phú Yên. 
Một góc Khu kinh tế Nam Phú Yên. 

Quy mô dân số KKT Nam Phú Yên đến năm 2030 khoảng 220.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 200.000 người, dân số quy đổi khoảng 20.000 người. Đến năm 2040 dân số khoảng 280.000 người.

Về đất đai, đến năm 2023, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 9.840 ha. Trong đó, 2.420 ha dùng để phát triển dân cư đô thị; phát triển hỗn hợp khoảng 224 ha; đất phát triển dân cư nông thôn khoảng 789 ha; khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng 2.038 ha; dịch vụ du lịch khoảng 767 ha; đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 3.603 ha.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 cũng nêu rõ, KKT Nam Phú Yên được định hướng ba trung tâm phát triển chính là trung tâm đô thị sân bay; trung tâm đô thị Hòa Vinh và trung tâm đô thị thương mại ven biển.

KKT Nam Phú Yên cũng được định hướng với tam giác phát triển du lịch phía Nam với 3 mũi nhọn là khu vực Biển Hồ - núi Đá Bia; khu du lịch Mũi Điện - Bãi Môn và khu du lịch Hòn Nưa.

Theo quy hoạch, Khu vưc phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa (phân khu 1) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.820 ha. Trong đó, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.100 ha và đất khác khoảng 720 ha.

Đây là phân khu được định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay - dự trữ phát triển mở rộng sân bay trong tương lai dài hạn, phát triển du lịch sinh thái ven sông Đà Rằng.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai khi đầu tư tại Phú Yên.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai khi đầu tư tại Phú Yên.

Cùng với đó là khu vực phát triển đô thị du lịch - dịch vụ ven biển (phân khu 2) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.080 ha. Trong đó, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.010 ha. Đây là khu vực được định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển, hình thành khu công nghệ cao Hòa Hiệp Bắc.

Khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh (phân khu 3) có diện tích đất tự nhiên khoảng 2.570 ha sẽ dùng khoảng 1.690 ha đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.690 ha. Phân khu 3 được định hướng hình thành đô thị nên, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước.

Phân khu 4 là khu vực phát triển du lịch - dịch vụ ven sông Bàn Thạch có diện tích đất tự nhiên khoảng 1.860 ha (khu chức năng khoảng 950 ha). Phân khu 4 được được định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.

Khu vực phát triển công nghiệp tập trung (phân khu 5) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.150 ha (khu chức năng khoảng 2.416 ha). Đây là khu vực được định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng,... vào khu công nghiệp Hòa Tâm.

Cuối cùng là khu vực phát triển du lịch phía Nam (phân khu 6) có diện tích đất tự nhiên khoảng 6.250 ha (khu chức năng khoảng 1.514 ha). Đây sẽ là khu vực được định hướng hình thành tam giác phát triển dịch vụ, du lịch, thể thao đã dạng và chất lượng cao và tôn trọng, bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ và đặc dụng hiện có.