Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng và câu chuyện bình ổn

Kỳ 2: người dân khóc ròng vì giấc mơ “vàng”

Ngọc Dung/PL&XH
Chia sẻ Zalo

Từ năm 2020 đến tháng 5/2024, giá vàng tăng gấp 1,5 lần. Cũng bởi sự “tăng trưởng” của vàng, không đủ may mắn như những người tích vàng trước đó, nhiều người mua vàng, tích vàng ở thời điểm giá vàng lên kỷ lục hay vay vàng từ mấy năm trước đều đang mất ăn mất ngủ…

>>> Kỳ 1: khi câu chuyện xoay quanh chỉ là… vàng
Biểu đồ giá vàng SJC từ 10/4 đến 10/5/2024. Nguồn: giavang.org  
Biểu đồ giá vàng SJC từ 10/4 đến 10/5/2024. Nguồn: giavang.org  

Khóc vì trót… vay vàng

Vay vàng từ năm 2021, thời điểm giá vàng ở mức 61 triệu đồng/lượng, chị Nguyễn Thanh Lan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày này không ăn không ngủ vì số nợ vàng chưa trả cho người thân. Chị kể, năm 2021 chị có mua 1 căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm với giá hơn 35 triệu đồng/m2. Vì thiếu tiền nên chị có vay mượn người thân. Thời điểm đó, do người thân không có tiền mặt nên chị đã vay 10 cây vàng.

“Thời điểm ấy 10 cây tương đương hơn 600 triệu đồng, cũng giúp chúng tôi cộng vào số tiền vốn có, cùng với 500 triệu vay ngân hàng, chúng tôi đã mua căn nhà đang ở. Trong mấy năm vừa qua, do người thân chưa cần nên cũng chưa nghĩ đến chuyện trả nợ mà tập trung vào giải quyết món nợ ở Ngân hàng trước” - chị Lan kể.

Dĩ nhiên, vay thì thì phải trả bằng vàng, nên trong những ngày qua, ngoài việc vẫn đang căng ra nhặt nhạnh, gom góp để tiếp tục trả ngân hàng, chị đứng ngồi không yên vì… giá vàng. Chị nói: “Giờ mua thì không có tiền mà mua, nhưng nếu không mua ở thời điểm này thì cũng không biết vàng sẽ lên như thế nào nữa. So với thời điểm vay, giá vàng đã tăng lên quá cao, mỗi lượng cộng thêm tầm… 30 triệu đồng. 10 lượng là 300 triệu đồng”. Mặc dù vay vàng sẽ không ai tính lãi, nhưng nhìn con số chênh lệch sau 3 năm vay vàng… chị khóc không ra nước mắt.

Ngay thời điểm giá vàng đang leo thang chóng mặt này, nhiều người ở thế kẹt vẫn phải mượn vàng, nhưng trước đây chuyện mượn và cho mượn vàng còn phổ biến hơn nhiều. Theo đó, khi cần vốn làm ăn hay mua miếng đất, xây căn nhà, sắm chiếc xe... bị thiếu tiền thì ráng đi mượn, mà người cho mượn thì hầu hết cũng chỉ muốn cho mượn vàng để an toàn, đỡ lo tiền trượt giá. Thậm chí, có những người, đến đám cưới con cái cũng đi mượn vàng để lo, để tặng cho con cái làm của hồi môn. Dĩ nhiên, khi giá vàng thấp hoặc bình ổn thì còn đỡ, chứ khi giá vàng tăng kỷ lục thì không ít người mất ngủ vì nợ.

Tương tự như trường hợp chị Lan, anh Nguyễn Văn Thành (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh cũng đã từng vay vàng để mua xe.

Theo đó, năm 2020 anh vay người em trai 5 cây vàng để mua xe. “Do không muốn vay nợ ngân hàng, bởi ngoài thủ tục khó khăn, phức tạp, việc trả nợ cũng lên xuống do lãi suất. Thế nên tôi đã vay tiền dôi dư của người nhà. Thời điểm đó, do không có tiền mặt nên cậu em trai đã đưa cho tôi 5 lượng”.

Anh cho biết, thời điểm đó 5 cây vàng của em anh tính ra chỉ khoảng 200 triệu. Mấy năm rồi không làm ăn được, tiền gom góp cũng không được bao nhiêu. Mỗi lần nghĩ đến món nợ 5 cây vàng mà anh mất ăn mất ngủ. “Vợ tôi còn lo đứng lo ngồi, có lúc còn ngẩn ngơ như mất hồn vì… giá vàng tăng” - anh than thở.

Khách hàng đang giao dịch vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy  
Khách hàng đang giao dịch vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy  

Xếp hàng mua vàng rồi mất cả mớ tiền sau một đêm

Ngày 10/5, giá vàng đột nhiên tăng lên chóng mặt, chạm mốc 92 triệu. Mức giá kỷ lục, vượt xa giá vàng thế giới khoảng 19 triệu đồng. Điều lạ lùng, khi giá vàng đột biến thì cũng là lúc người dân đổ xô đi mua vàng.

Ghi nhận thời điểm giá vàng cao kỷ lục, ở các con phố là nơi tọa lạc những cửa hàng vàng tấp nập người đến, người đi. Các cửa hàng vàng lớn chen kín người mua. Thậm chí những lượng vàng mới được mua từ trong cửa hàng đi ra, đã vội sang tay cho những người còn đang xếp hàng ngoài cửa.

Cũng là một trong những người mua vàng thời điểm ấy, chị Trần Thị Lành (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lúc ấy chị đã mua 3 cây vàng với giá 92 triệu đồng/lượng.

“Lúc ấy tôi nghĩ giá vàng sẽ không thể xuống được, gom mãi mới đủ để mua 3 cây. Biết đâu đấy trời thương, đến mai, kia giá vàng lại tăng thì 3 cây vàng này nghiễm nhiên đã sinh lãi…” - chị nói.

Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, giá vàng lại đột ngột rơi xuống còn… 88,8 triệu đồng mua vào và quanh ngưỡng 91 triệu đồng/lượng bán ra. “Chỉ sau 1 đêm, tôi mất luôn 1 triệu đồng/lượng đấy là tính theo giá bán ra. Chứ nếu tính theo giá mua vàng thì thê thảm” - chị Lành buồn bã.

Tương tự như chị Lành, nhiều người xếp hàng mua vàng lúc giá vàng tăng kỷ lục chưa kịp mừng đã lo sốt vó chỉ sau một đêm. Giá vàng giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư chịu lỗ. Bên cạnh đó, việc niêm yết với mức chênh lệch quá lớn giữa giá mua vào và bán ra đang là rủi ro lớn với người mua vào.

Chị Nguyễn Khánh Ly (ở quận Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng đến bán vàng tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, mấy ngày gần đây, giá vàng vẫn không lên được giá đỉnh mà chị đã mua gom. Lo sợ giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm sâu vì Chính phủ đã đã có những động thái can thiệp. Chị quyết định mang 5 lượng vàng đi bán. “Tôi chấp nhận cắt lỗ hơn 16 triệu đồng vì mua vào khi giá vàng đang ở mức 92 triệu đồng/lượng nhưng khi bán ra chỉ còn 88,7 triệu đồng/lượng”-chị Ly cho hay.

Hiện, chênh lệch này đang ở mức từ 9 trăm nghìn đồng/lượng tới 1 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, việc chênh lệch như vậy cũng không ổn, bởi theo đó, mức giá chênh khoảng 100 nghìn đồng là hợp lý.

Chính vì vậy, dù giá vàng đang giảm nhưng lời nhắc của các chuyên gia “người dân cần cẩn thận khi giao dịch vàng tại thời điểm này” là không thừa.

(Còn nữa)