Ký họa kháng chiến miền Nam: Cháy bỏng khát vọng hòa bình

Bài, ảnh: Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, có nhiều họa sĩ - chiến sĩ đã ngã xuống nhưng trong ba lô của họ vẫn còn nguyên những nét vẽ vội vàng, chân thực.

 Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), những trang sử ký bằng tranh ấy được giới thiệu đến công chúng qua triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và khán giả.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và khán giả.

Sử ký từ nét vẽ trên đường ra trận

Những ngày cuối tháng 4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”. Triển lãm giới thiệu đến công chúng 70 ký họa trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Với chất liệu chủ yếu bằng màu nước, bút sắt, bút chì, dưới góc nhìn và sự sáng tạo của các họa sĩ - chiến sĩ, hình ảnh của những anh giải phóng quân, cô dân quân, người phụ nữ miền Nam trung kiên, anh dũng; hình ảnh những trận đánh, chăm sóc thương binh… được tái hiện sinh động, chân thực. Các tác phẩm ấy phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất cũng như khát vọng hòa bình, tinh thần lạc quan của dân tộc Việt Nam.

Trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn họa cụ, người nghệ sĩ xông pha nơi chiến trường không đơn giản chỉ sáng tác, cầm cọ, cầm bút mà còn phải cầm súng chiến đấu. Mỗi họa sĩ – chiến sĩ đã tranh thủ từng giây, từng phút ghi lại thật nhanh trang nhật ký chiến trường. Có thể kể đến như ký họa “Trận Bình Giã” 1965 của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, “Ngoan cường trong chiến đấu” của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu, “Cô du kích” của họa sĩ Nguyễn Tấn Lực, “Bà Nguyễn Thị Định” của họa sĩ Lê Lam, “Xây hầm tránh pháo” của họa sĩ Thái Hà... Trong triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”, có những ký họa màu sắc phai nhạt, những tờ ký họa rách góc và có cả những ký họa tận dụng mặt sau của tờ áp phích, tờ báo để vẽ.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, những ngày này, chúng ta không thể quên những đóng góp hết sức quan trọng, mở đầu cho hình thức tranh ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân. Những nét bút đầu tiên của ông đã xác định một lộ trình dài của tranh ký họa xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bác Hồ là người xem đầu tiên xem những bức ký họa đó. Người đã rất xúc động, ngắm nhìn rất lâu từng bức ký hoạ.

“Để có những nét đẹp này, đôi khi những người nghệ sĩ - chiến sĩ phải trả bằng sinh mạng của mình. Không ít người đã ngã xuống và trong ba lô của họ vẫn còn nguyên nét vẽ vội vàng. Đây là những trang sử ký bằng tranh đẹp đẽ nhất” - hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Tác phẩm "Ngoan cường trong chiến đấu'' trưng bày tại triển lãm.  
Tác phẩm "Ngoan cường trong chiến đấu'' trưng bày tại triển lãm.  

Giáo dục tinh thần yêu nước

Ký họa kháng chiến miền Nam được hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền Nam trong thực tế khắc nghiệt của chiến tranh. Hàng ngàn bức ký họa ra đời đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Họa sĩ Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tự hào đã xây dựng được bộ sưu tập ký họa kháng chiến tương đối đầy đủ, đặc sắc, phản ánh phần nào đặc trưng của nền hội họa cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với gần 4.000 ký họa. Việc xây dựng, định hình chiến lược sưu tầm dựa trên nền tảng nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của ký họa kháng chiến. Bởi đó là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của dân tộc.

Nhiều họa sĩ, người làm nghệ thuật nhận định “Ký họa kháng chiến miền Nam” không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn là một bằng chứng khẳng định những thành quả của mỹ thuật cách mạng; là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới.

“Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” là dịp để mỗi chúng ta tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha, ông đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình và lòng tự hào dân tộc” - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định.

Triển lãm mở cửa từ ngày 26/4 đến hết ngày 8/5/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

“Ký họa kháng chiến miền Nam” khắc họa những hình ảnh vừa bình dị, vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, không mang nặng tính tàn khốc của chiến tranh. Đây chính là điểm khác biệt của ký họa chiến trường Việt Nam so với các ký họa chiến trường khác trên thế giới.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh