Kỳ nghỉ Hè đặc biệt của trẻ em

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Hè năm nay vô cùng đặc biệt với trẻ em, thay vì được cùng gia đình đi vui chơi, khám phá những vùng đất mới tuyệt đẹp thì các em phải ở trong nhà phòng, chống dịch Covid-19. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi biết cách tổ chức, mùa Hè 2021 của trẻ em sẽ trở nên đặc biệt ý nghĩa với những trải nghiệm mới.

Nhiều trẻ nghỉ học ở nhà do dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Phương
Bức bí nghỉ Hè chỉ ở trong nhà
Năm nay, học sinh và trẻ mầm non được nghỉ Hè sớm một tháng để phòng chống dịch Covid-19. Nghỉ Hè khi các môn thi học kỳ chưa kết thúc, khiến cho các phụ huynh và học sinh không khỏi lo lắng. Chỉ sợ đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trẻ em chơi nhiều, quên kiến thức khó có thể làm được bài thi “Rất lo vì chúng em chưa thi học kỳ xong đã phải nghỉ Hè. Những ngày này em chỉ ở trong nhà ôn lại bài, nóng lòng đợi đến khi có thông báo lịch thi. Thời gian còn lại em xem ti vi, vào mạng xem các kênh Youtube, Tiktok giải trí” – em Nguyễn Hồng Vân (phường Thanh Xuân Nam, Hà Nội) cho hay. Với không ít học sinh, trước đó đã có dự định cùng gia đình đi nghỉ mát nhưng với những diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Thông điệp 5K, các chuyến đi bị hủy, nên hằng ngày các em chỉ còn biết lướt web, chơi game.

Chị Nguyễn Thùy Dung, sống tại Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hai con ở bậc mầm non và tiểu học chia sẻ: “Gia đình tôi đã lên kế hoạch, mùa Hè sẽ cho đi học bơi, học đàn và các môn năng khiếu ở trung tâm. Nhưng, khi các hoạt động tập trung đông người bị tạm dừng, tôi cho các con ở nhà đọc sách, xem ti vi, chơi trò chơi và dạy những kỹ năng cơ bản”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn phải bận với công việc, không có điều kiện thời gian quản lý con, đành phó mặc vào việc cho chúng ở nhà tự ôn bài và chơi với nhau. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, khi con xem ti vi, vào mạng nhiều mà không có sự kiểm soát sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Thực tế, nhiều học sinh lười hoạt động, thức đến khuya để chát với bạn bè, buổi sáng dậy rất muộn, tinh thần uể oải. Trước tình trạng này, các chuyên gia tâm lý cảnh báo: So với người lớn, năng lượng hoạt động của trẻ rất nhiều và mạnh. Nếu trẻ bị giới hạn các hoạt động sẽ tạo ra sự buồn chán và căng thẳng. Vì thế, nghỉ Hè cũng là khoảng thời gian trẻ cần được bồi đắp kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm.

Không cần ra ngoài, trẻ vẫn có mùa Hè bổ ích

Để kỳ nghỉ Hè ý nghĩa đối với trẻ em, dù trong điều kiện ở nhà phòng chống dịch Covid-19, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng: Trẻ em cần được cha mẹ trang bị một số kỹ năng sống liên quan đến việc độc lập trưởng thành như đi chợ mua thức ăn, sáng tạo món ăn mới, dọn dẹp căn phòng đang ở. Thời điểm này cũng thích hợp để trẻ bỏ đi những cuốn sách cũ, loại đi các quần áo không mặc... Dù các hoạt động ở ngoài trời bị dừng lại, nhưng ở trong nhà các em vẫn có thể tập thể dục thông qua những chương trình trên internet, đọc cuốn sách hay, nói chuyện với bạn qua mạng. Trên trang mạng cũng có những khóa học phát triển bản thân để trẻ có thể tham gia. Với những gia đình có sân rộng, cha mẹ mua cho con cây vợt để chơi cầu lông, lắp sân bóng rổ... để trẻ được tương tác.

Trước việc nhiều gia đình có áp lực về thi cử, cô Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gợi ý: "Phụ huynh cho con ở nhà ôn lại bài trong sách giáo khoa từ giữa học kỳ 2 đến cuối năm. Mỗi ngày các con dành 1 giờ ôn bài, tránh không bị quên kiến thức đã học. Về băn khoăn trẻ suốt ngày vào điện thoại, xem ti vi, theo cô Tuyết Lan, không còn cách nào khác là phụ huynh lập kế hoạch từ hôm trước giao việc ngày mai cho con. Ví dụ như dọn dẹp nhà cửa, luyện tập thể thao cho cơ thể khỏe mạnh, đọc sách hoặc truyện trong 1 giờ. Phụ huynh đi làm có thể theo dõi con qua camera hoặc gọi điện nhắc nhở, kiểm tra".

Một vấn đề được các phụ huynh đặt ra, đó là khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý. Từ góc độ của chuyên gia tâm lý đã có nhiều năm làm công việc tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, Chuyên gia Nguyễn Hà Thành đưa ra một số lời khuyên để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em: "Cha mẹ có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình. Mỗi ngày cha mẹ dành thời gian chơi với con toàn tâm toàn ý, chỉ 5 – 10 phút cũng là điều tuyệt vời".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần