Chị Ngọc Hoa (Ba đình, Hà Nội) chuẩn bị tiễn cậu con trai lên đường tham dự trại hè tại Singapore. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chị cho con tham dự trại hè kiểu này.
“Trại hè này có chi phí đóng cho công ty gần 30 triệu đồng cho một khoá 7 ngày 6 đêm, chưa kể một chút tiền cho con tiêu vặt. Năm ngoái con đi về rất hào hứng, khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt hẳn, nên năm nay chúng tôi cho cháu đi tiếp”.
Tuy nhiên, chị Hoa đang ấp ủ kế hoạch cho con năm sau tham dự một trại hè với mức chi phí còn “khủng” hơn nhiều. “Tôi đã treo thưởng, nếu năm sau con trúng tuyển vào lớp chuyên Anh của trường Am hoặc chuyên ngữ, con sẽ được đi trại hè ở Anh. Mục đích của gia đình là hết cấp 3 sẽ cho con du học nên ngoài việc học tiếng Anh sẽ cố gắng cho con được tiếp xúc với môi trường giao tiếp của người bản ngữ”.
Chương trình trại hè ở Anh mà chị Hoa nhắc đến có thể nói là một chương trình đắt đỏ nhất trong các chương trình học hè. Chương trình trại hè Anh do một cty tư vấn giáo dục và du lịch chiêu sinh dành cho các em từ 12 – 17 tuổi. Trại hè này được tổ chức tại Anh và có chi phí lên tới từ trên 100 – 150 triệu đồng tuỳ thời gian đăng ký theo học (2 – 4 tuần), với chương trình học được kết hợp giữa đào tạo tiếng Anh đan xen các hoạt động văn hóa, xã hội.
Những chương trình học hè có giá hàng chục triệu đồng dành cho các phụ huynh chịu chi cũng không hiếm. Chỉ diễn ra tại TPHCM trong vòng tháng 6, nhưng một cty đang chiêu sinh khoá đào tạo tiếng Anh, kỹ năng thực hành xã hội và dân vũ với học phí tới 30 triệu đồng/ học viên. Cũng cty này tổ chức khoá “Đào tạo lãnh đạo trẻ Việt Nam” dành cho lứa tuổi 12 - 20 tuổi, diễn ra trong tháng 7 với học phí 37 triệu đồng/ học viên. Chương trình “Đào tạo lãnh đạo trẻ toàn cầu – Global Teen Leader” cũng diễn ra trong tháng 7 với mức chi phí 50 triệu đồng/ học viên, học viên sẽ được đi cả Singapore, Malaysia.
Hàng loạt trung tâm đã đưa ra các chương trình bán trú hè cho trẻ từ 4 đến 10 tuổi, ngay sau khi trường học vừa nghỉ, để giải quyết nhu cầu “trông con” của phụ huynh.
Chị Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết đến giữa tháng 6 sẽ cho con tham dự vào “trại hè” của một trường mầm non tư thục gần nhà. “Trại hè này diễn ra từ đầu tháng 6, nhưng đầu tháng gia đình còn tổ chức đi nghỉ, nên bây giờ mới chuẩn bị cho cháu nhập trại. Nhà có ông bà, nhưng để con bé 5 tuổi loay hoay cả ngày với ông bà không ổn, mà cho con học cái nọ cái kia hai vợ cồng cùng bận không thể thu xếp đưa đón được. Sau khi tham khảo nhiều trung tâm tôi mới quyết định cho học gần nhà để ông bà đưa đi đón về hộ, ban ngày cháu vẫn có bạn chơi cùng chứ không chỉ cắm đầu xem tivi hay nghịch ipad, vẫn được học thêm tiếng Anh, có các hoạt động ngoại khoá”.
Để “quẳng gánh lo” trông con từ 7 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều trong gần 2 tháng hè, chị Lan phải trả một khoản tiền không nhỏ. “Phí đăng ký chỉ 6 triệu dồng/4 tuần, chưa bao gồm tiền ăn khoảng 60 nghìn đồng/ ngày” - chị Lan cho biết. “Tính ra 1 tháng rưỡi gửi con hết hơn chục triệu đồng”.
Đổ tiền cho con đi học kỹ năng
Với các bé từ 8 tuổi trở lên, có vô số chương trình rèn kỹ năng sống “vẫy gọi”. Ngay sau khi nghỉ hè, từ ngày 1 – 8/6, cô con gái đầu 12 tuổi của anh Huy Thanh đã được gửi theo 1 khoá tập tu tại thiền viện Trúc Lâm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là hoạt động hè đầu tiên trong danh sách các hoạt động mà vợ chồng anh Thanh sắp xếp cho con gái. “Cháu được nghỉ học tiếng Anh đến hết tháng 6, tháng 7 học lại. Trong tháng 6 cháu còn một đợt tham gia học kỳ quân đội, vẫn tiếp tục đi học đàn, đi bơi 2 buổi. Tôi dự định đầu tháng 7 đăng ký cho cháu một khoá học kỹ năng phát triển cảm xúc, trí tuệ, cho cháu tự tin hơn. Mẹ cháu còn muốn cháu tham gia khoá học nấu ăn cơ bản ở cung thiếu nhi. Nếu cháu thích thì sẽ cho học cả lớp khiêu vũ”.
Cậu con trai 9 tuổi của anh Thanh thì đã tham gia xong học học kỳ quân đội. Và cũng được sắp xếp một lịch đi bơi, đi học đàn, học tiếng Anh, học kỹ năng như cô chị. Nhưng thay vì mấy môn “con gái” như nấu ăn và khiêu vũ, anh Thanh cho con trai học võ và tham gia câu lạc bộ lắp ráp ở cung thiếu nhi.
“Lên được cái lịch học này cũng đau đầu đấy, phải cân nhắc xem cho các con nghỉ ngơi thế nào là vừa phải, nên học thêm những cái gì để vừa không lãng phí thời gian vừa phát huy được khả năng của các cháu, nhưng cũng mang tính chất giải trí một tí. Rồi thu xếp lịch học của hai chị em khớp với nhau hết mức có thể để tiện công đưa đón. Cũng may hai vợ chồng làm cty riêng nên mới có thời gian đưa đi đón về như thế” – anh Thanh cho biết.
Không phải ai cũng có điều kiện về tài chính và thời gian để đầu tư cả mùa hè cho con, vì vậy không ít phụ huynh lựa chọn cho con một kỳ nghỉ ngoại khoá cùng bạn bè đồng trang lứa. Các khoá học kỳ quân đội từ vài năm nay đã là sự lựa chọn được ưu tiên của các gia đình. Nhiều trung tâm đã và đang rầm rộ tuyển sinh cho khoá học kỳ quân đội thường diễn ra các đợt đầu và cuối tháng 6, muộn là đầu tháng 7 - trước khi các em trở lại trường học.
Mức phí của các trung tâm khá khác nhau. Học phí của một khoá học bao gồm chi ăn, đi lại, điện nước, trang phục quần áo, giầy, mũ, hoạt động huấn luyện, tham quan, dã ngoại… khoảng từ 4 – 6 triệu đồng tuỳ thời gian từ 7 – 10 ngày.
Ngoài Học kỳ quân đội hay các khoá tập tu, năm nay một loại khoá học kỹ năng khác cũng bắt đầu được lòng phụ huynh, từ chính tên gọi của khoá học, là Kỹ năng sinh tồn.
Bên cạnh đó, năm nay các trung tâm chuyên dạy kỹ năng sống đã phát triển hàng loạt lớp học với những cái tên rất kêu như Sống mạnh mẽ, Tư duy tích cực, Sống có giá trị, Dám dẫn đầu… diễn ra từ 1 – 3 buổi, với học phí 500 – 600 nghìn đồng/ buổi… Có giá khá cao là Học kỳ IQ – EQ do một trung tâm đưa ra, chỉ diễn ra trong 3 ngày với học phí 4 - 4,5 triệu đồng, có mục tiêu “lớn lao” là Nâng cao chỉ số IQ, rèn luyện sự kiên nhẫn, đặc biệt là chỉ số cảm xúc, cách ứng xử trong cuộc sống để EQ của trẻ phát triển.
Than thở về việc vợ vừa bỏ ra hơn 3 triệu đồng cho cậu con trai đi học một khoá “cái gì mà phát triển bản thân”, anh Hoàng Hải hồ nghi “không biết học để làm… lãnh đạo hay gì mà đắt thế. Tôi chỉ thấy sau khi học được 2, 3 hôm cháu nói năng, cư xử lễ phép từ tốn hơn, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Nhưng mẹ cháu vẫn mê lắm, nói là có tác dụng, nên vẫn nhăm nhe từ nay đến trước lúc đi học sẽ cho con theo thêm một khoá như vậy”.