Kỷ niệm 10 năm thành lập trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội: Hướng tới mô hình trường học thông minh

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (17/10), trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và Lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020.

 NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường xúc động cho biết rất tự hào khi CĐN Công nghệ cao Hà Nội trở thành trường hàng đầu trong đào tạo nghề quốc gia, có uy tín trong khu vực và thế giới.
Sự phát triển vượt bậc
Ông có cảm nghĩ gì khi là người chèo lái trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội trong 10 năm qua?
- Đến giờ, tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên chuyển từ trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Hà Nội sang làm Hiệu trưởng trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội. Lúc đó, tôi rất băn khoăn lo lắng. Khi mới thành lập, trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội được TP đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại nhưng lại thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề; cộng với chưa có nhân lực, ngân sách, chương trình, giáo trình. Trước mắt là một khối công việc khổng lồ nhưng với quyết tâm, kinh nghiệm làm công tác đào tạo 20 năm và 10 năm là Trưởng khoa Điện tử, tôi đã hứa với lãnh đạo TP Hà Nội xây dựng trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đạt chuẩn quốc gia và tiến tới chuẩn thế giới.
Giờ đây, sau 10 năm nhìn lại, tôi rất tự hào với những gì mình đã làm được. Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nghề quốc gia và có uy tín trong khu vực, thế giới. Nhiều nghề đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận.
Ông có thể nói rõ hơn về sự phát triển của nhà trường?
- Sau 10 năm thành lập, 9 năm đi vào hoạt động, trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã tuyển dụng và bồi dưỡng được gần 180 cán bộ, giáo viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề tốt, tâm huyết. Với sự đầu tư của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), sự hỗ trợ của các DN, nhà trường đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đủ đào tạo cho 30 nghề.
 Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh ký kết hợp tác với các DN, nhà khoa học.
Đặc biệt, các trang thiết bị của trường được sử dụng để vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học (NCKH), sản xuất sản phẩm để thương mại hóa. Qua đó, đáp ứng mục tiêu đào tạo chất lượng cao và phương châm “Học đến đâu, hành đến đó”, “Đi từ cái tay đến cái đầu”.
Cũng như thực hiện đúng chủ trương “Mỗi tiết học là một công việc, mỗi môn học là một sản phẩm”, giúp cho sinh viên say mê sáng tạo, nghiên cứu, có kiến thức và kỹ năng tốt. Những yếu tố đó đã giúp nhà trường tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, từ 1.500 – 1.800 em. Không chỉ thế, nhiều em đủ điểm đỗ ĐH, thậm chí có em đạt 27,5 điểm nhưng vẫn đăng ký học nghề.
100% sinh viên có việc làm
Để gây dựng thương hiệu cho nhà trường cũng như thu hút học sinh, trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội có hướng đi thế nào, thưa ông?
- Ngay từ khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã chủ trương đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN. Do đó, chúng tôi đã có mối quan hệ rất chặt chẽ với các DN, trên quan điểm giải quyết tốt đầu ra sẽ thu hút được đầu vào.
Chúng tôi thực hiện đào tạo đảm bảo được chất lượng, sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN và phải có kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là thái độ chuẩn mực trong công việc. Hiện tại, nhà trường đánh giá đã thành công với việc xây dựng thương hiệu “Chất lượng đào tạo là số một”, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các DN.
Đến nay, học sinh, sinh viên trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội tốt nghiệp có việc làm đạt bao nhiêu phần trăm?
- Theo thống kê, sau 6 tháng sinh viên ra trường có việc làm đạt 95 - 96% và nhiều nghề 100% có công việc trước khi ra trường (Cơ khí, Điện – Điện tử, Chăm sóc sắc đẹp). Từ năm 2018 trở đi, nhiều nghề có việc làm đạt 100%, thậm chí trường không đủ nhân lực để cung cấp cho DN.
Để có tỷ lệ việc làm cao, trong quá trình tổ chức và tuyển sinh đào tạo, nhà trường luôn nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các ngành công nghiệp dịch vụ mũi nhọn mà TP Hà Nội đang quan tâm. Nhà trường thường xuyên mở những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao, mỗi năm có thêm 2 – 3 nghề hot; mạnh dạn cắt bỏ các nghề DN ít sử dụng.
Đầu ra luôn là bài toán khó đối với nhiều cơ sở GDNN nhưng trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội lại ký hợp đồng đào tạo với từng sinh viên đảm bảo 100% ra trường có việc làm?
- Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhà trường đã khẳng định được chất lượng cũng như tạo dựng được niềm tin với xã hội, đặc biệt là các DN sử dụng lao động. Chúng tôi đã mạnh dạn cam kết với người học nếu đạt chuẩn đầu ra của trường, 100% sẽ có việc làm, thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng/tháng.
Thực tế, nhiều em ra trường đi làm có mức thu nhập cao hơn, chẳng hạn nghề chăm sóc sắc đẹp từ 10 – 20 triệu đồng/tháng; Cơ khí, Hàn 10 – 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhiều em làm quản lý trong các DN, có những em mở công ty, chuỗi spa khi thành công lại nhận thế hệ đàn em đến thực tập và làm việc.
Lập doanh nghiệp trong nhà trường để... tự chủ thành công
Liên kết với DN là một trong 3 khâu đột phá để đào tạo nghề có chất lượng. Đến nay, trường đang hợp tác với bao nhiêu đơn vị ở những nội dung gì?
- Nhà trường xác định, để giải quyết đầu ra cho sinh viên rất cần sự liên kết chặt chẽ với các DN. Sau 9 năm hoạt động, trường xây dựng được mối quan hệ hợp tác với trên 400 DN, tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước để giải quyết việc làm, đưa sinh viên đến thực tập, đào tạo tay nghề.
Cùng với đó, nhà trường huy động nguồn lực từ DN như đội ngũ chuyên gia để cùng đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm. Nhà trường còn hợp tác với các tổ chức quốc tế để đào tạo, công nhận, cấp văn bằng, chứng chỉ kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho sinh viên.
Để đơn vị sử dụng không phải đào tạo lại, chúng tôi quy định, hàng năm 100% sinh viên đều phải đi thực tập ở DN. Trong đó trên 30% sinh viên đã được tổ chức đào tạo tại DN và được DN trả lương. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua những hợp đồng hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN.
Điển hình là chương trình đào tạo 800 sinh viên cho Tập đoàn Hanwha – một trong 7 tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc; đào tạo 1.000 sinh viên cho Tập đoàn AGRIMECO...
Chúng tôi thật sự rất phấn khởi khi biết nhiều DN ưu tiên chỉ sử dụng duy nhất sinh viên của trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội. Đây chính là sự khác biệt cũng là động lực để trường đào tạo ra những sản phẩm có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN.
Trong chặng đường tự chủ, tự chịu trách nhiệm tới đây, nhà trường có định hướng phát triển ra sao?
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Nhà trường tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Cụ thể là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề công nghiệp mũi nhọn mà TP đang quan tâm.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đào tạo, trường sẽ xây dựng mô hình đào tạo thông minh theo hướng mở, linh hoạt, tự chủ và gắn kết chặt chẽ hơn trong giải quyết việc làm cho sinh viên.
Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, Sở KH&CN và các DN để thực hiện các dự án nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi hướng tới thành lập DN KHCN trong nhà trường để vừa nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thương mại hóa, nâng cao nguồn thu và góp phần tự chủ thành công. Phấn đấu đến năm 2020, CĐN Công nghệ cao Hà Nội sẽ trở thành trường chất lượng cao hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và được các tổ chức quốc tế thừa nhận.
Xin cảm ơn ông!

Trong những năm qua, sinh viên trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã giành 36 giải Nhất, 34 giải Nhì tại 6 kỳ thi tay nghề TP; 25 giải Nhất, 9 giải Nhì và 11 giải Ba tại 4 kỳ thi tay nghề Quốc gia. 5 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng tại 4 Hội thi tay nghề ASEAN, góp phần đưa đoàn Việt Nam đạt thành tích cao trong các Hội thi tay nghề ASEAN và Đoàn Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước.