Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của giáo sư Văn Tân (1/9/1913-1/9/2013), ngày 30/9 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động cách mạng, nhà văn hóa, nhà sử học” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, bạn bè và gia đình giáo sư. Giáo sư Văn Tân tên thật là Trần Đức Sắc, sinh năm 1913 trong một gia đình nhà nho yêu nước thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Từ năm 16 tuổi, ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp bắt và kết án 7 năm tù. Ra tù, ông làm biên tập cho các báo công khai của Đảng. Sau nhiều lần bị bắt và đưa vào nhà tù Sơn La, Yên Bái, trại giam Hỏa Lò, Nghĩa Lộ, ông được điều về phụ trách báo Cứu quốc. Sau đó, ông được điều sang Khu học xá Nam Ninh tham gia giảng dạy Triết học và biên soạn từ điển, rồi về Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông Mai Vy, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin tôn vinh giáo sư Văn Tân bằng 5 từ lớn là “ý chí lớn, tài năng lớn, công trình lớn, cống hiến lớn và vinh quang lớn.” Giáo sư Vũ Khiêu xúc động nhớ lại những ngày xưa cũ không thể phai mờ, nhớ người bạn cùng một thời và viết tặng giáo sư Văn Tân 2 câu đối “Tráng chí hùng tâm, trăm bước gian nan đường cách mạng. Thông kim bác cổ, ngàn trang văn sử bút thanh tân”. Các đại biểu nhận định, nói đến giáo sư Văn Tân, giới nghiên cứu khoa học xã hội đều biết đến ông như một “cây cổ thụ” của giới sử học Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập, là nhà khoa học xuất sắc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, lĩnh vực khoa học mà giáo sư Văn Tân tâm đắc, dành nhiều thời gian và có nhiều đóng góp nhất là lĩnh vực lịch sử. Ông có hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố thành sách hoặc các bài viết trên các tạp chí khoa học. Những tác phẩm sử học của ông như “Vấn đề chính Đảng xuất bản sau Cách mạng tháng Tám," “Cách mạng Tây Sơn,” “Lịch sử Việt Nam sơ giản,” “Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp,” cùng các tác phẩm viết chung như “Thời đại Hùng Vương,” “Ngô Thì Nhậm - Con người và sự nghiệp”... ra đời chỉ trong khoảng 15 năm đã nói lên thành quả lao động khoa học đáng ca ngợi của ông. Các bài viết của giáo sư Văn Tân đều là những bài luận văn khoa học nghiêm túc và giàu tính luận chiến. Ông đã cùng giáo sư, viện sỹ Trần Huy Liệu phê phán các quan điểm lịch sử phản động, lạc hậu, tổ chức các cuộc thảo luận về các nhân vật lịch sử, đánh giá lại một số sự kiện lịch sử. Ông không chỉ ghi chép và luận bàn về các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc mà còn góp phần viết nên những trang sử lớn của cách mạng Việt Nam. Với những cống hiến trên các lĩnh vực hoạt động, giáo sư Văn Tân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương và được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho công trình nghiên cứu sử học của ông.