Từ thơ chữ Hán, ta có điều kiện hiểu sâu hơn tư tưởng Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Cuộc đời ông có 3 giai đoạn chính: Giai đoạn từ nhỏ đến hơn 20 - 21 tuổi là giai đoạn dùi mài kinh sử, nuôi chí làm một ông quan tốt dưới triều Lê - Trịnh. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn lưu lạc, ở Thái Bình quê vợ rồi ẩn cư ở quê nhà dưới chân Hồng Lĩnh. Giai đoạn thứ 3, bắt đầu từ năm 1803 là thời làm quan cho nhà Nguyễn, từ Tri huyện đến Cai bạ Quảng Bình đến Hữu Tham tri Bộ Lễ; từ hàm Tứ phẩm đến Nhị phẩm.
Tổ tiên Nguyễn Du vốn dòng khoa bảng, phát cả văn lẫn võ, mà võ có phần nổi trội hơn, từ nhà Mạc, nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có những người trụ cột.
Năm 1786, Nguyễn Du 21 tuổi thì Nguyễn Huệ ra Thăng Long, chỉ một sáng quét xong nhà Trịnh, để cho Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) một ngôi vua như trước. Nhưng Chiêu Thống không biết đó là ơn sâu, kế lớn của Nguyễn Huệ; không nghe lời ông là vua Lê Hiển Tôn dặn phải tôn trọng Nguyễn Huệ, không biết coi sóc việc nước, lại còn mưu chống Tây Sơn; làm ông vua cõng rắn cắn cắn gà nhà, cầu viện nhà Thanh, làm cớ cho chúng sang xâm lược, chà đạp lên giang sơn đất nước.
Nguyễn Du lúc đầu cố nhiên hy vọng vào sự phục hồi nhà Lê. Nhưng sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu theo quân cướp nước, Nguyễn Du rơi vào sự khủng hoảng toàn diện. Ông tự xếp mình vào phái chống Tây Sơn và Tây Sơn biết rõ điều đó. Nên trước sự thắng thế của nhà Tây Sơn, Nguyễn Du trở nên không chốn dung thân, phải lánh về quê vợ Thái Bình. Đây là thời kỳ lẩn trốn, vừa đói cơm rách áo, vừa bạc nhược tinh thần. Tình cảnh này được kể lại trong Tạp thi:
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc thành hư sự,
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên
(Tráng sĩ nhìn trời, bi hỡi ôi!
Cơm ăn, chí lớn hỏng luôn rồi
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ nồng, đông lạnh đuổi ngày trôi)
Ông rơi vào bế tắc. Việc duy nhất cần làm lúc này là bảo toàn mạng sống trên cả hai nghĩa: Kiếm được cái ăn và không bị phát giác, tố cáo Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục/ Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân (Đất lạ giả làm ngu để đề phòng bất trắc, Đời loạn, để toàn mạng sống, sinh ra thói sợ người lâu nay).
Thân ông nay như ngọn cỏ bồng lìa gốc, trước luồng gió tây (ngụ ý Tây Sơn chăng)?
Bài thơ Tự thán nói rất rõ hoàn cảnh này:
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng,
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi.
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp,
Tất cánh phiêu linh hà xứ quy?
(Thiên địa bắt sầu hình cốt tướng
Xuân thu khiến não cái mày râu
Sợi cỏ lìa bay trong gió mạnh
Cuối cùng phiêu dạt biết về đâu.)
Chính khí non sông lúc ấy đang tụ vào Nguyễn Huệ. Chính khí tạo nên hùng khí. Trong lúc vua Lê Chiêu Thống theo giặc; Nguyễn Ánh, Nguyễn Nhạc... chỉ nghĩ đến một ngôi vua con con mà không từ một thủ đoạn nào, thì Nguyễn Huệ mới thật là một anh hùng, một lòng vì nước, mới đứng ở tầm cao của thời đại. Nguyễn Huệ nhận định thời cuộc: “Trước đây Nhà Lê mất chính quyền, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần đây, nam bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than”(Chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ).
Ông xuất thế để cứu dân khỏi chốn bùn than, vực dậy giềng mối của trời đất. “Lê quý kỷ sự” là một cuốn sử viết dưới triều Nguyễn, của quan Quốc sử quán triều Nguyễn tên là Nguyễn Bảo, vậy mà viết về Nguyễn Huệ (đối thủ của nhà Nguyễn) lòng còn đầy tôn kính, sảng khoái và tự hào: “Nghe tin báo quân Thanh tiến vào nước Việt, trước sự sợ hãi của nhiều người, Nguyễn Huệ cười mà nói: “Chó Ngô (chỉ quân Thanh) thì là cái thá gì, chúng đến đây chỉ để tự đi vào chỗ chết. Việc gì mà phải cuống quýt làm vậy?”
Tiếc Nguyễn Du đã không hiểu được Nguyễn Huệ, trong lúc anh ruột là Nguyễn Nễ đã theo Tây Sơn!
Nguyễn Du là một người nặng tình. Trường hợp Nguyễn Du thêm một lần chứng minh: Đối với một người nặng tình thì rất khó dứt những gì thân thuộc cũ, tín điều cũ để đến với cái mới.
Tuy nhiên, Nguyễn Du đã nhận thức được một chân lý: Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy/ Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti (Ngộ gia đệ cựu ca cơ - Chậu nước đổ rồi khó thu lại; Thương ngó sen đứt mà tơ vẫn còn vương). Đấy là lời từ giã đối với cảnh vinh hoa phú quý của gia đình, lời chia biệt đối với nhà Lê và đoạn tuyệt với giấc mộng quan trường, từ biệt chính trị để trở về với nhân dân, chọn sự an cư, chọn nghề viết và tìm con đường giải thoát cho bản thân, cho con người. Đây là một bước chuyển quan trọng từ một nhà nho theo Khổng - Mạnh đến một nhà tư tưởng độc lập.
Để có được bước tiến ấy, Nguyễn Du cần phải có những điều kiện khách quan. Điều kiện khách quan ấy là nhận thức, là sự trông thấy nhãn tiền sụp đổ của các triều đại “Cổ kim vị kiến thiên niên quốc”(Vị Hoàng doanh - Xưa nay chưa từng thấy triều đại nào tồn tại nghìn năm); thấy quan trường là hang hùm nọc rắn, là chốn nguy hiểm khôn lường:
Ta nhìn ra sông Lam
Lòng thường lo ngay ngáy
Nếu không may sẩy chân
Sẽ chìm lỉm không biết đâu là tận cùng
(Lam giang)
Quan trọng hơn nữa, những ngày từ Thái Bình về Hồng Lĩnh quê hương, từ 1796 đến 1802, thời gian không dài nhưng lại là những ngày ông cảm nhận được sự thênh thang của tự do, của niềm vui bất tuyệt khi con người hòa mình vào thiên nhiên, vào đời sống của những nông phu và ngư tiều ở Tiên Điền nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Đây là một đoạn đời đắc ý, nếu không nói là đắc ý nhất của Nguyễn Du. Nguyễn Du có kết tinh của nhiều vùng văn hóa như Thăng Long, Kinh Bắc, Kinh Đông, Sơn Nam..., nhưng chỉ Hà Tĩnh mới làm nên cốt cách, mới ủ chín thiên tài, biến ông thành một người đặc biệt. Kinh thành lộng lẫy, đô thị phồn hoa, nơi cho người ta vinh hoa phú quý nhưng cũng tước đi của người ta những thiên tính trong lành; nơi vàng ngọc lưu ly ấy cũng bụi bặm trần ai. Tầm nhìn và hành vi của người kẻ chợ được đo đếm trước hết ở doanh thu. Thiên tính, tính thiện, sự gần gũi với nguyên khí trời đất khó giữ.
Về Hồng Lĩnh với núi cao sông dài, với sự thanh thản, minh triết của người dân ruộng, với dòng sữa ngọt ngào của tình người và văn hóa dân gian, Nguyễn Du cởi bỏ được những phiền muộn, bế tắc trước đây. Vằng vặc trăng quê đã rọi sáng hồn ông, cho ông sự tĩnh tâm tuyệt đối. Nhìn bóng trăng giếng cổ, ông viết Dù ai người khuấy lên/ Động qua lặng rất chóng/ Trong vắt một tấm lòng/ Giếng xưa trăng dọi bóng (Đạo ý). Nhiều lần ông kêu gọi con người nên biết vui sống, hưởng thụ cuộc sống hiện tại; kế thừa ý du tử thời xưa, đi sát tới chủ nghĩa hiện sinh (có cốt lõi là sự nhân bản) mà tới cuối thế kỷ 19, đầu 20 mới thành một trào lưu ở Phương Tây. Trong Hành lạc từ, Nguyễn Du viết: Có chó cứ làm thịt/ Có rượu cứ nghiêng bầu/ Được mất trên đời chưa dễ biết/ Cần gì lo tiếng hão về sau. Hành lạc từ bài một chưa đủ, ông lại viết bài hai: Hiền ngu xưa nay một nấm mồ/ Con người sống chết ai tránh khỏi/ Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi/ Bóng xế bên tây trời sắp tối.
Lúc mạn hứng, ông viết: Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự ngu (Suốt đời thơ phú ròng vô bổ/ Đầy giá sách đàn chất mãi ngu). Qua câu nói “dỗi”, nói ngược này, ta thấy đây là thời kỳ ông tự học rất nhiều, và thật ra tự lựa chọn cho mình mãi mãi ở vào chốn văn chương. Văn chương, đời sống tinh thần cao quý cho ông sự sảng khoái. Nhưng ông không dừng lại ở văn chương. Từ bỏ hoạn lộ (trong tư tưởng), ông bước sang một con đường mới: Con đường giải thoát mình, giải thoát chúng sinh bằng chữ “Tâm”, học thuyết chữ Tâm mà chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm sáng rõ. Đây không phải chữ Tâm của Phật giáo, càng không tầm thường là lòng tốt như cách nghĩ bình thường mà là bản ngã, dùng cái tôi cá nhân, sự tinh túy, thuần hồn của con người mình để sống cho mình, để phù hợp và chế ngự hoàn cảnh!. Phải chăng sống cho mình, sống vì người khác do nhu cầu tự thân của mình đó là Kiều, là Nguyễn Du, là tinh hoa tư tưởng, tình cảm của người Việt Nam ta?
Dù là gì, Nguyễn Du cũng khác Nho, Phật, Lão. Tôi cho Trương Chính đã rất có lý khi viết trong lời tựa tập thơ chữ Hán Nguyễn Du: “Xét cho kỹ thì Phật học, Đạo học không phải đã có một ảnh hưởng thật sâu sắc đến tâm hồn Nguyễn Du”. Trong bài Lương Chiêu Minh Thái tử Phân Kinh đài (Bắc hành tạp lục), ông nói rõ mình đã đọc hàng nghìn lần Kinh Kim cương, chỉ thấy trong đó phần lớn vô nghĩa, mù mờ, không sáng tỏ (Kỳ trung áo chỉ đa bất minh). Kinh không chữ mới là chân kinh. Kinh không chữ thì không thể phổ biến mà mỗi người tự cảm nhận, tức là chữ Tâm, mỗi người có thể tự giác ngộ như một Đức Phật!
Còn đoạn tuyệt với hoạn lộ trong tư tưởng thì đã rõ. Năm 1794, khi anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đi làm quan cho Tây Sơn, ông chê “Nhất quan bôn tẩu phong trần mạt” (Vì một chức quan mà phải lăn lộn trong đám bụi). Trong bài Liệp (Đi săn), ông viết:
Phù thế vi hoan các hữu đạo,
Khu xa ủng cái thị hà nhân.
(Thú vui âu cũng tùy người
Xe đưa lọng đón thôi thôi kệ đời).
Đến đây, chúng ta phải trả lời một câu hỏi: Vậy vì sao Nguyễn Du lại đón chào Gia Long, khi Gia Long ra Bắc, được bổ làm tri huyện rồi thăng tiến liên tục?
Năm 2020 là năm kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du |
Việc đón chào Gia Long là gia phả chép. Còn sử nhà Nguyễn thì nói vua Gia Long triệu ra. Tôi tin sử. Vì sao Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn? Sẽ hợp lý khi cho rằng đây là mong mỏi từ lâu của Nguyễn Du, vì năm 1796 ông từng định trốn theo Nguyễn Ánh nên bị tướng Nguyễn Thận của Tây Sơn bắt giam. Gia Long dùng Nguyễn Du vì lý do này, vì ông là bậc nhân tài nổi danh trong thiên hạ, dùng ông là để thu phục cựu thần nhà Lê.
Còn về phía Nguyễn Du, tôi cho rằng ông phải ra làm quan cho nhà Nguyễn vì hai lẽ: Lẽ thứ nhất, ông nhận thức được nhà Nguyễn đã thống nhất được đất nước, giành quyền thống trị lâu dài; là chỗ để mình có thể thi thố được ít nhiều cái chí bình sinh. Song đấy chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn, ông phải bảo đảm an toàn cho mình, cho dòng họ, cho việc cơm ăn, áo mặc hàng ngày cho đàn con đông đúc và thơ dại. Trước khi bàn về đạo lý, hãy thử đặt hoàn cảnh mình vào hoàn cảnh Nguyễn Du để đặt ra vấn đề chọn đạo lý theo kiểu “sáng nghe đạo, chiều chết cũng vui” hay là phải sống đã, dù “thân lươn bao quản lấm đầu”. Ta có thể tìm thấy hình bóng Nguyễn Du trong quan niệm và sự lựa chọn thực tế của nàng Kiều, sự lựa chọn có tình, có lý, có mình, có mọi người, tuân theo đạo lý của trái tim.
Thơ chữ Hán của Đại thi hào Nguyễn Du |
Khi nhận chức Tri huyện Phù Dung (Khoái Châu), Nguyễn Du đã tâm sự cùng bạn, thế là mình không giữ được sự trọn vẹn của viên ngọc (Thái phác bất toàn chân diện mục- Ký hữu). Năm 1804, ông xin hưu quan mà không được. Trong suốt thời kỳ làm quan, ông luôn mong được về ẩn cư ở Hồng Lĩnh Anh hùng tâm sự hoang trì sính, Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần (Xuân tiêu lữ thứ - Anh hùng đã mỏi đường rong ruổi, Danh lợi còn mang luỵ khóc cười). Nguyễn Du làm quan không a dua, không hối lộ quan trên nên nhiều lần bị quan trên khiển trách; vua tuy có yêu nhưng hay bị đồng liêu ganh ghét càng làm cho ông chán nản. Tuy vậy, được giao việc gì, từ tri huyện, tri phủ, chấm thi, đi sứ… ông đều một lòng chăm lo cho dân, giữ thể diện của nước. Khi ông mất, có câu đối viếng, hiện còn treo ở Di tích Tiên Điền Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh, sinh bất thiểm; Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh, nghĩa là “Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm quan, sống không thẹn; Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh”.
***
Vinh quang của Nguyễn Du là vinh quang của nước, là hào quang tỏa sáng mọi thời đại. Điều đó khiến Nguyễn Du hơn hết thảy mọi người!