Thiếu tướng Võ Sở giới thiệu cho PV báo Kinh tế & Đô thị một trong số các cuốn sách viết về những năm tháng khốc liệt tại Trường Sơn. Ảnh: Trần Thảo |
Trong 47 năm quân ngũ, Thiếu tướng Võ Sở có hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn với nhiều cương vị. Ký ức của những năm tháng vô cùng gian khó nhưng đầy oanh liệt đó đã trở thành máu thịt, một phần sống của cuộc đời ông. Ở tuổi 91, sức khỏe và sự minh mẫn của Thiếu tướng Võ Sở, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam khiến chúng tôi nể phục.Ông nhớ như in giai đoạn năm 1964 – 1965 và năm 1974 – 1975 là các thời điểm giặc Mỹ đánh phá đường Trường Sơn ác liệt nhất. Với đủ các loại máy bay và thiết bị hiện đại, địch đã trút 4 triệu tấn bom đạn xuống đường Trường Sơn, chiếm một nửa tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã ném xuống trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ở những cung đường trọng điểm thì không có ngày nào địch không đánh, đánh sập cả núi, hàng nghìn tấn cát đá rơi xuống chặn đường đi. Vậy mà chỉ bằng những dụng cụ thủ công như cuốc, xẻng, bộc phá, thuốc nổ, lực lượng công binh vẫn có thể mở đường cho xe chạy thông suốt. Nếu nói vui thì mỗi người lính công binh ở Trường Sơn phải chịu hàng nghìn quả bom. Cứ thế, cứ thế, địch cứ đánh, ta cứ đi, đánh địch mà đi… Hệ thống căn cứ không thể ngăn chặnKhẳng định vai trò to lớn của con đường Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh: Sức mạnh của Trường Sơn lớn lắm! Chính vì nhìn thấy vai trò quan trọng của con đường này, Mỹ muốn ngăn chặn và triệt phá con đường Trường Sơn vì biết rằng nếu chặn được thì sẽ cô lập được miền Nam. Nhưng thực tế Mỹ đã không thể thực hiện được âm mưu đó. “Mỹ đã thua Việt Nam chính tại Trường Sơn là bởi không thể ngăn chặn con đường huyết mạch ấy” – Tướng Võ Sở khẳng định. Cho đến bây giờ, Mỹ vẫn không hiểu tại sao họ đánh phá ác liệt đến như vậy mà xe ta vẫn chạy. “Giặc Mỹ ví Trường Sơn như “một trận đồ bát quái”. Dù địch có hệ thống quan sát hiện đại bằng tia hồng ngoại, dùng đủ các loại bom, thậm chí là bom từ trường, nhưng cũng không thể ngăn chặn bước tiến của quân ta. Thậm chí địch dùng cả thuốc diệt cỏ, không một cây cỏ nào sống được mà ta vẫn chiến đấu được. Bên cạnh một trục đường chính quân ta còn mở hàng chục đường tránh, nên Mỹ cứ chặn ta đường này, ta lại mở đường khác với tài ngụy trang tài tình. Tư lệnh Trường Sơn – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng nói rằng: “Máy bay Mỹ làm chủ bầu trời nhưng ta làm chủ mặt đất. Mà ai làm chủ được mặt đất, làm chủ được chiến trường là người đó thắng…”.Trong cuộc Tổng tấn công năm 1975, để giúp các chiến trường miền Nam nhanh chóng xoay chuyển tình thế, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các chiến sĩ Trường Sơn đưa ra đề xuất sáng tạo là cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh, đè bẹp các cuộc tấn công của Mỹ. Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu, lực lượng vận tải Trường Sơn đã tiến lên cơ động các binh đoàn chủ lực, thần tốc vượt hàng nghìn kilômét vào tham gia chiến dịch. Khi tình huống xuất hiện, bộ đội Trường Sơn cũng trở thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu tấn công vào sào huyệt kẻ thù. Ngoài ra, để đánh địch hiệu quả, lính phòng không của ta ở Trường Sơn có chiến thuật đánh gần. Ở nơi trọng điểm ta đưa pháo lên, đón hướng máy bay địch để bắn.Vất vả gian khổ như thế, nhưng sao người lính Trường Sơn ngày ấy lại lạc quan đến vậy? “Khi vào Trường Sơn, mỗi người lính đều mang trong mình một tâm niệm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tâm niệm ấy đã trở thành sức mạnh để ta chiến thắng quân thù, cũng là động lực chính để khiến Trường Sơn trở thành con đường kết nối keo sơn Bắc Nam, làm nên huyền thoại” - Thiếu tướng Võ Sở nói.Nghĩa tình đồng độiNhiều năm sau khi hòa bình, về với đời thường, Thiếu tướng Võ Sở cùng đồng đội thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sơn nay là Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Sau 8 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội đã có hệ thống tổ chức toàn quốc với 114 tổ chức thành viên. Nhiều hoạt động được đông đảo các cựu chiến binh Trường Sơn hoan nghênh, hưởng ứng như xuất bản hàng trăm đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc họa ca ngợi con đường huyền thoại và chiến sĩ Trường Sơn anh hùng; tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền, trao quà, giúp đỡ hàng nghìn đồng đội gặp khó khăn, khám bệnh và tặng nhà tình nghĩa, trị giá hàng tỷ đồng…Trong suốt buổi trò chuyện, Thiếu tướng Võ Sở chỉ kể với chúng tôi về những cái chung của cả tập thể khi ấy chứ chẳng “kể công” gì. Thế nhưng chúng tôi hiểu rằng, cũng là người trải qua những năm tháng ác liệt đó, ông may mắn trở về và giờ dành hầu hết thời gian của mình cho hoạt động nghĩa tình, tri ân những đồng đội cũ, như là để khắc ghi và biết ơn quá khứ, truyền tỏa lòng yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc anh hùng với thế hệ sau.