70 năm giải phóng Thủ đô

“Ký sinh trùng” và xu hướng phân hóa giàu nghèo xã hội Hàn Quốc

Nguyễn Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thắng lớn tại Oscar 2020 với 4 giải thưởng, “Ký sinh trùng” như một làn gió tươi mới của Oscar năm nay.

Bộ phim kể về một gia đình nghèo tại Hàn Quốc, qua đó khán giả thấy được sự phân hóa tầng lớp xã hội ngày càng trở nên quá lớn. Bộ phim không chỉ dừng lại ở màn ảnh, đó chính là thực tế xã hội.
Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn
Điều này thể hiện ngay trong bối cảnh chính của phim với 2 phân cảnh chính đối lập, một gia đình nghèo sống trong khu ổ chuột, hàng ngày sau giờ làm trở về, họ phải đi từ đường lớn, men theo con đường nhỏ với những bậc thang nhiều tầng khúc khuỷu, rồi mới tới được nhà, gọi là nhà nhưng thực tế đó chỉ là một căn hầm ẩm thấp - nơi chỉ thấy chút ánh sáng le lói qua ô cửa sổ và cả những người tè bậy trên đó. Bốn người trong gia đình nương tựa vào nhau để sống với đủ công việc, kiếm tiền bằng cách gấp hộp giấy với tiền công ít ỏi mà còn bị ăn chặn.
 Một cảnh trong phim ''Ký sinh trùng''.
Gia đình còn lại sống trong một ngôi nhà lớn sang trọng, xung quanh là cây xanh tươi tốt, không khí mát mẻ trong lành, người chồng là chủ một doanh nghiệp với những dự án lớn, con cái được học ở những ngôi trường tốt, người vợ chỉ ở nhà chăm con, việc nhà đã có giúp việc lo.
Sự phân hóa tầng lớp kinh khủng tới mức, những người trong gia đình nghèo thèm được hít không khí trong lành khu nhà giàu, còn những người giàu có thể ngửi thấy mùi cơ thể chung của các thành viên trong gia đình nghèo, và họ gọi đó là “mùi nghèo".
Thực tế tại Hàn Quốc, thu nhập tính bình quân đầu người hiện tại đạt 31.349 USD/năm. Thế nhưng, tỷ lệ dân số có mức thu nhập dưới ngưỡng bình quân là 17,4% vào năm 2017. Và thống kê của Ngân hàng Hana Bank cho thấy khoảng 165.000 người siêu giàu, tương đương 0,3% dân số, lại sở hữu tới 18% tổng tài sản của các hộ gia đình. Hàng tháng, những người Hàn siêu giàu này kiếm 39,1 triệu Won (34.000 USD) và chi tiêu khoảng 10,1 triệu Won (8.700 USD).
Và phần lớn chúng ta chỉ thấy một Hàn Quốc hào nhoáng bóng bẩy văn minh qua những bộ phim, nhưng đằng sau nó là những câu chuyện buồn về thu nhập thấp, không ổn định của tầng lớp lao động. Khi một gia đình với 4 người trong độ tuổi lao động, nhưng lại phải ngồi nhà vì không kiếm được việc làm, họ phải chạy ăn từng bữa và nhận làm mọi công việc có thể kiếm tiền.
Những giấc mơ bị đánh cắp
Qua màn ảnh, chúng ta chỉ thấy giới trẻ con nhà giàu được học những ngôi trường tốt nhất rồi sau đó thừa kế gia sản kếch xù gia đình,... nhưng đằng sau đó là cả một thế hệ trẻ bị đánh cắp giấc mơ. Trong “Ký sinh trùng", hai đứa trẻ trong gia đình nghèo đều là những trẻ có tài năng và có hoài bão ước mơ, thế nhưng vì nghèo mà chúng phải nghỉ học, và vì không được học hành nên chúng cũng không thể xin được một công việc nào, khi ở ngoài kia rất nhiều người có bằng cấp cũng thất nghiệp. Vì mưu sinh nên chúng đã làm giả bằng đại học, thẻ sinh viên để được nhận vào làm gia sư tại gia đình giàu có, và đồng thời chúng cũng thể hiện được năng lực khi dạy kèm 2 đứa trẻ nhà giàu rất tốt.
Thực tế tại Hàn Quốc, người lao động luôn cố gắng để được vào làm tại các tập đoàn lớn như LG, Samsung, Hyundai... hoặc làm công chức tại nhà nước vì sự ổn định. Vì thế tỷ lệ cạnh tranh để vào làm những doanh nghiệp này cũng rất cao, theo một thống kê năm 2014, khoảng 200.000 ứng viên đăng ký thi đầu vào cho Samsung để cạnh tranh 14.000 suất việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp có bằng cấp tại Hàn Quốc cũng rất cao, theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, 69% bạn trẻ trong độ tuổi 25 - 34 có bằng đại học vào năm 2015 nhưng 1/3 số người thất nghiệp trong năm đó. Cũng theo OECD, có tới 55% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại, lý do là bởi họ đang phải làm công việc bán thời gian hoặc trái ngành để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Kim Eun Seok - một nữ nhân viên đang làm việc tại tập đoàn LG với mức thu nhập cao ổn định đã quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê của mình, bất chấp sự phản đối của gia đình vì cô thấy công việc hiện tại quá nhàm chán, mặc dù đó là vị trí có rất nhiều người mơ ước.
Sau khi nghỉ làm, với số tiền dành dụm được cô mở một cửa hàng nhỏ và làm bánh bán kèm nước uống gần nhà. Tuy nhiên, sau vài tháng doanh thu không tăng bao nhiêu trong khi cô phải chi trả đủ thứ phí đắt đỏ, số tiền vốn cũng ngày một cạn. Cuối cùng cô phải đóng cửa hàng, và rồi lại chuẩn bị hồ sơ để xin việc văn phòng. Vậy là giấc mơ làm chủ một tiệm bánh của cô đã tan thành mây khói.
Một xã hội chuộng bằng cấp
Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền cũng không quan trọng bằng việc bạn học trường nào, có bao nhiêu bằng cấp. Trong “Ký sinh trùng", để được nhận vào làm gia sư của gia đình giàu có, cậu em trong gia đình nghèo đã làm giả thẻ sinh viên của một trường đại học danh tiếng, còn người chị gái làm giả bằng cấp của một trường danh giá nước ngoài, và nhiều bằng cấp chứng chỉ liên quan tâm lý, nghệ thuật khác. Vì thế, ngay sau khi đưa bằng cấp ra, cả hai chị em đã ngay lập tức được nhận vào làm mà không hề bị kiểm tra lại. Đồng thời, gia đình nhà giàu cũng sẵn sàng trả mức phí gia sư rất cao để mong con mình sẽ thi được vào những trường danh giá.
Thực tế tại Hàn Quốc, một sinh viên có vài bằng cấp, biết vài ngôn ngữ ở Hàn Quốc vẫn thất nghiệp như thường. Thậm chí ngay cả khi bạn đã có việc làm bạn vẫn phải tiếp tục học, nếu không bạn sẽ bị đào thải bởi để giữ được vị trí hoặc được lên chức hay lên lương ở công ty, bạn cần có quan hệ tốt với lãnh đạo hoặc bạn phải có nhiều bằng cấp. Vì vậy, việc tốt nghiệp một trường đại học danh giá và có thêm vài bằng cấp liên quan chuyên ngành sẽ giúp dễ xin việc hơn.
Các phụ huynh tại Hàn Quốc thường chấp nhận trả chi phí khá cao cho việc thuê gia sư dạy kèm tại nhà. Năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc ước tính ngành dịch vụ gia sư có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD và dù bị cho là không xứng đáng với số tiền bỏ ra nhưng các phụ huynh vẫn cố cho con học thêm. Thông thường, các bậc cha mẹ Hàn Quốc sẽ dùng khoảng 25% thu nhập để lo tiền học cho con, hệ quả là các em nhỏ Hàn Quốc phải dành 16 tiếng mỗi ngày để học.
Không phải tự nhiên, một bộ phim châu Á lại “cuỗm" hẳn 4 giải danh giá tại Oscar 2020. Một bộ phim vô cùng ấn tượng và để lại nhiều giá trị xã sâu sắc cho người xem, đó là sự đối lập cực mạnh giữa hai giai cấp giàu - nghèo. Sự tinh tế của đạo diễn khi không có con ký sinh trùng nào xuất hiện nhưng sự vô hình đó lại len lỏi vào tâm trí người xem, là những bậc bước lên ngôi nhà sang trọng, hay bậc thang bước xuống ngôi nhà ẩm thấp, là mùi của người giàu và mùi của người nghèo.

Không phải tự nhiên, một bộ phim châu Á lại “cuỗm" hẳn 4 giải danh giá tại Oscar 2020. Một bộ phim vô cùng ấn tượng và để lại nhiều giá trị xã hội sâu sắc cho người xem, đó là sự đối lập cực mạnh giữa hai giai cấp giàu - nghèo. Sự tinh tế của đạo diễn khi không có con ký sinh trùng nào xuất hiện nhưng sự vô hình đó lại len lỏi vào tâm trí người xem, là những bậc bước lên ngôi nhà sang trọng, hay bậc thang bước xuống ngôi nhà ẩm thấp, là mùi của người giàu và mùi của người nghèo.