Ở tuổi 88 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng vẫn minh mẫn kể về những ngày tháng lịch sử tiếp quản Thủ đô. Năm 1952, ông Nguyễn Minh Thắng xung phong gia nhập đoàn quân chính quy, Đại đội 213, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, đóng quân khắp các tỉnh miền Bắc. Sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 8/1945, đơn vị ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã căn dặn các chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô.
Ngày 20/9/1954, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho ngày vào tiếp quản Hà Nội. Một đêm hành quân từ đồi thông Thái Nguyên, qua Vĩnh Phúc, qua vành đai của địch. 5 giờ sáng, đơn vị tiếp cận tới bờ sông Hồng, bên kia là Hà Đông. Hàng nghìn chiếc thuyền nan, thuyền gỗ đã đậu kín dọc bờ sông Hồng, cả 3 trung đoàn 88-102-36 cùng khối sư đoàn sẵn sàng vượt sông.
“Sáng sớm 10/10/1954, cả đơn vị tập trung lên mặt đê hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Người dân đổ ra đường đón bộ đội, những tiếng hô vang, những cánh tay vẫy chào của rừng người, rừng cờ, rừng hoa hai bên đường khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi vẫy chào người dân, nhiều người nhảy lên vì vui sướng, có người xúc động khóc vì sự nhớ nhung”- cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng hồi tưởng lại.
Về hưu sau quãng thời gian dài chiến đấu và công tác tại Nhà máy Xà phòng Hà Nội, ông Nguyễn Minh Thắng hiện sống cùng gia đình tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Ông đã có 15 năm tham gia công tác an ninh khu phố, góp sức mình vào xây dựng quê hương. Là một nhà văn của Hội Văn học Hà Nội, ông đã có những tác phẩm, những ký ức về một thời hoa lửa.
Là nhân chứng lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Tiến Hà - Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954), Phó Trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu hồi tưởng: “Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội và các đơn vị quân đội nhân dân gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới mở cuộc hành quân lịch sử từ các cửa ô tiến về Hà Nội. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Trên đường vào nội thành Hà Nội, có rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón, không khí vô cùng nhộn nhịp.
Sáng 10/10/1954, ông Nguyễn Tiến Hà vinh dự được đứng trong đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề trở về với Hà Nội. "Buổi sáng ấy, những người nông dân còn ở dưới ruộng, khi thấy đoàn quân giải phóng với lá cờ đỏ sao vàng tiến về trung tâm Hà Nội, liền vui mừng, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội. Người dân đứng hai bên đường trong không khí vui sướng, vỡ oà vì hạnh phúc, những học sinh quần áo nghiêm trang cầm theo cờ đỏ sao vàng vẫy chào. Đoàn quân giải phóng đi qua trên phố trong tiếng hò reo của mọi người"- ông Nguyễn Tiến Hà nhớ lại.
Trải qua những năm tháng khó khăn kháng chiến và cho đến khi hòa bình lập lại, ông Nguyễn Tiến Hà tiếp tục nguyện đem hết tình cảm, tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho cách mạng, cho nền giáo dục của nước nhà.
Cựu chiến binh Phạm Văn Chương (sinh năm 1934, tại phố Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội), là chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, Đoàn 367, lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và về tiếp quản Hà Nội trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Theo lời kể của cựu chiến binh Phạm Văn Chương, Hội nghị Genève thành công, thống nhất chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân định Nam - Bắc tạm thời. Đơn vị ông được lệnh bổ sung vào Sư đoàn 308 chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Đến ngày 9/10/1954, toàn đơn vị hành quân vào sân bay Bạch Mai để chuẩn bị ngày 10/10/1954 tiến vào tiếp quản Hà Nội. Xe pháo đã chuẩn bị từ trước, xe ô tô cánh cửa sơn cờ đỏ sao vàng, 4 bánh xe và chắn bảo hiểm phía trước sơn màu trắng.
Sáng sớm ngày 10/10/1954, đơn vị hành quân từ sân bay Bạch Mai đi theo đường Đại La sang ngã tư Trung Hiền, chợ Mơ, qua phố Huế lên Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hoàng Hoa Thám rẽ qua đường Hùng Vương vào tập trung tại bãi câu lạc bộ quân nhân; xe pháo toàn tiểu đoàn xếp hàng chờ làm lễ mừng chiến thắng.
“Khi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, dưới sự kiểm soát của Ban Liên kiểm Việt - Pháp, cũng là lúc từ 5 cửa ô Hà Nội, 5 cánh quân bộ binh của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 308 rầm rập tiến vào tiếp quản Thủ đô. Đó là những khoảnh khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc còn vang vọng mãi trong tim mà mỗi khi nhớ về chúng tôi lại bồi hồi xúc động” - cựu chiến binh Phạm Văn Chương hồi tưởng lại. Sau năm 1954, ông Chương về phục viên, làm lái xe cho Tỉnh uỷ Hà Giang, đến năm 1970 chuyển về công tác tại Hà Nội đến khi về hưu.