Ký ức thầy trò miền Nam những ngày sống trên đất Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 32.000 học sinh miền Nam, mái trường khi xưa vừa là nơi học tập, vừa là gia đình, thầy cô giáo là người truyền kiến thức, cũng là người thân.

Năm 1954, khi học sinh miền Nam tập kết dần ra Bắc, Bộ Giáo dục lựa chọn những giáo viên đủ tiêu chuẩn: lý lịch tốt, hoặc là giáo viên tập kết, hoặc tốt nghiệp trường sư phạm miền Bắc, có lòng yêu mến học sinh, ngoài tuổi trẻ phải có năng khiếu thể dục thể thao... để có thể đào tạo tốt nhất cho những "hạt giống đỏ" miền Nam. Trong 21 năm, hơn 5.000 giáo viên được lựa chọn để vào giảng dạy tại các trường học sinh miền Nam.

28 trường miền Nam ở Hà Nội và các tỉnh lân cận thời đó đều được tổ chức theo mô hình trường nội trú. Giáo viên cùng ăn, cùng ở, cùng học tập với học sinh. Trong công tác quản lý và giảng dạy đều có giáo viên người miền Nam và miền Bắc phối hợp đảm nhận. Nhà trường không để thời gian nhàn rỗi vì sợ học sinh buồn chán. Ngoài giờ học, các em tăng gia sản xuất, hoạt động ngoại khóa. Học sinh miền Nam rất ham mê văn nghệ, thể thao. Thầy cô giáo dạy học trò dân ca quan họ, chèo của miền Bắc. Học sinh lại dạy thầy múa lâm thon, ca vọng cổ, câu hò miền Nam. Tình cảm thầy trò vì thế càng thêm khăng khít.

 
Thầy giáo Lê Vạn Phiên (89 tuổi) cùng thầy Mai Thế Hoạt (71 tuổi), hai thầy giáo trường học sinh miền Nam khi xưa. Ảnh: Hoàng Phương.
Thầy giáo Lê Vạn Phiên (89 tuổi) cùng thầy Mai Thế Hoạt (71 tuổi), hai thầy giáo trường học sinh miền Nam khi xưa. Ảnh: Hoàng Phương.
Thầy Lê Vạn Phiên từng dạy trường miền Nam số 9 (Quảng Ngọc, Quảng Xương), một trong những người đi đón học sinh miền Nam sớm nhất ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) kể lại: "Khi ấy chúng tôi đều nhận thức đây là chủ trương lớn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đào tạo lực lượng cách mạng để xây dựng miền Nam sau này nên càng ý thức được trách nhiệm lớn lao của người thầy khi về trường học sinh miền Nam dạy học. Mái trường khi ấy vừa là nơi học tập, vừa là gia đình, thầy cô giáo vừa dạy học, cũng là người thân".

Lúc đó, Thanh Hóa đã chuẩn bị nhiều trường học, dù là tranh tre nứa lá, nhưng sạch sẽ để đón học sinh. Các em được tổ chức thành lớp khoảng 40 người. Ban ngày học tập, vui chơi ở trường, tối lại về ngủ ở nhà dân.

Ông giáo già 89 tuổi kể lại, các em lần đầu xa nhà, khóc nhiều vì nhớ gia đình. Có em nhớ ba má đã trốn trường, tìm về bến Sầm Sơn để mong được gặp người thân. Toàn bộ giáo viên trong trường dọc tuyến đường xuống Sầm Sơn được huy động đi tìm suốt đêm. Đến sáng thì thầy cô thấy học sinh đang khóc ở vệ đường. Từ đó, các giáo viên trong trường đều được phân xuống nhà dân để ở cùng các em.

Nhiều người trưởng thành từ những trường học sinh miền Nam lại quay trở về trường dạy, trở thành thầy giáo thế hệ 2. Thầy Lê Thái Phiên (73 tuổi) nằm trong số học sinh ra Bắc sớm vào đầu năm 1955, học trường miền Nam ở Chương Mỹ (Hà Nội). Sau thầy tốt nghiệp ĐH Hà Nội năm 1966 rồi về dạy tại trường bổ túc ở Đông Triều (Quảng Ninh).

 
Thầy Nguyễn Có (93 tuổi), người cao tuổi nhất trong số hơn 500 giáo viên dạy học sinh miền Nam có mặt tại lễ kỷ niệm 60 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc. "Tôi ra đi mang theo những kỷ niệm thân thương/ Về mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Trong đó, tôi chỉ như hạt cát/ Góp một phần chăm sóc các em/ Tôi tự hào đã chung sức làm nên/ Bao kỳ tích học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Tôi mang theo hình ảnh 'đàn chim non xa mẹ' mà tôi đã 'thay cha hôm sớm vỗ về', thầy chia sẻ. Ảnh: Hoàng Phương.
Thầy Nguyễn Có (93 tuổi), người cao tuổi nhất trong số hơn 500 giáo viên dạy học sinh miền Nam có mặt tại lễ kỷ niệm 60 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc. "Tôi ra đi mang theo những kỷ niệm thân thương/ Về mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Trong đó, tôi chỉ như hạt cát/ Góp một phần chăm sóc các em/ Tôi tự hào đã chung sức làm nên/ Bao kỳ tích học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Tôi mang theo hình ảnh 'đàn chim non xa mẹ' mà tôi đã 'thay cha hôm sớm vỗ về', thầy chia sẻ. Ảnh: Hoàng Phương.
Mỗi lần tiếp nhận một lứa học sinh mới, thầy Phiên đều dặn dò: "Miền Nam đang đánh giặc, đồng bào miền Bắc còn nghèo, nhưng ưu tiên cho các em ăn no mặc ấm để học. Các em học không giỏi, không nên người thì có tội với ba má, với nhân dân hai miền. Thầy từng trải qua thời niên thiếu của học sinh miền Nam rồi nên rất hiểu". Có học sinh sau này gặp lại thầy, hối hận vì ngày xưa không chịu học cho bằng bạn bằng bè. Thầy chỉ cười, bảo: "Thầy dặn rồi mà bọn bây không nghe, ráng chịu".

Thầy Nguyễn Có (93 tuổi), người cao tuổi nhất trong số hơn 500 giáo viên dạy học sinh miền Nam có mặt tại lễ kỷ niệm 60 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc. "Tôi ra đi mang theo những kỷ niệm thân thương/ Về mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Trong đó, tôi chỉ như hạt cát/ Góp một phần chăm sóc các em/ Tôi tự hào đã chung sức làm nên/ Bao kỳ tích học sinh miền Nam trên đất Bắc/ Tôi mang theo hình ảnh 'đàn chim non xa mẹ' mà tôi đã 'thay cha hôm sớm vỗ về', thầy chia sẻ. Ảnh: Hoàng Phương.

Với các thế hệ học trò miền Nam, các thầy cô được xem như người thân. Nhắc lại câu chuyện ra Bắc học tập, ông Hóa (69 tuổi) kể khi học ở Hải Phòng, trường nam và trường nữ được phân rõ. Cánh nam sinh của trường miền Nam nghịch nổi tiếng đất Hải Phòng. Mỗi lần quậy phá, trộm mía, mì của nhân dân lại bị nhà trường phạt nghiêm khắc bằng cách cho đứng ở tổ kiến lửa, hay đặt thanh sắt lên mông để thầy "làm thẳng thanh sắt bị cong".

Cứ tối tối sau khi học bổ túc về, các thầy lại ghé qua khu nội trú để mắc màn cho những bạn ngủ quên. Học trò còn nhỏ, hay tè dầm, thầy cặm cụi đem quần áo, chăn màn đi giặt. Những ai trên lớp học bài chưa hiểu sẽ được thầy kèm cặp tận tình. Trong trí nhớ của cậu học trò miền Nam khi ấy, thầy giáo tên Trung (quê Hải Dương), chủ nhiệm lớp 5-6 để lại ấn tượng sâu sắc nhất.

"Một sáng mùa đông, thầy đi lật chăn gọi học sinh dậy tập thể dục. Vì rét quá, tôi không muốn ra ngoài nên đạp chân khiến thầy ngã nhào. Thầy Trung không trách phạt, còn chăm sóc tôi tận tình và giảng giải nhiều điều. Tôi nhận ra, phá phách không giải quyết được gì, từ đó chuyên tâm vào học tập rèn luyện", ông Hóa nhớ lại.

Bà Đặng Thị Chín (Đồng Tháp) và Nguyễn Thị Nhung (Quảng Ngãi) cùng tập kết ra Bắc năm 1954, học trường nữ học sinh miền Nam ở Hải Phòng lại không quên những lần bị ghẻ. Học trò được các cô bảo mẫu tắm lá sầu đông (lá xoan) cho khỏi ngứa. Lớp học gần 40 học sinh mà ngày nào cô cũng cần mẫn tắm táp, mắc màn cho từng em. Hai người phụ nữ gần 70 tuổi cười như trẻ thơ khi nhớ chuyện ngủ giường tầng ở trường nội trú, bị bạn giường trên tè dầm xuống. Để tránh mùi khai lan ra cả phòng, người bạn đó còn lấy nước dội thẳng lên người bà Nhung rồi sáng hôm sau tự đem màn, chiếu đi giặt.

Tết đến, học sinh miền Nam nhớ nhà thường khóc. Một số giáo viên về nhà, còn hầu hết thầy cô ở lại đón Tết cùng học trò. Để nguôi ngoai nỗi nhớ miền Nam, thầy trò thường cắt dán giấy màu, giả làm cành mai vàng đón Tết, cũng có bánh chưng, giò, cây nêu, đốt pháo rôm rả. Một số học sinh được người dân miền Bắc nhận làm con nuôi đón về nhà ăn Tết trong không khí ấm cúng của gia đình. Có khi không đón được, bà con lại mang quà bánh tặng học sinh.

 
Cô trò mừng vui sau nhiều năm gặp lại. Ảnh: Hoàng Phương.
Cô trò mừng vui sau nhiều năm gặp lại. Ảnh: Hoàng Phương.
Trong lứa học trò thời ấy, có những người sau này giữ vị trí cao trong các cơ quan nhà nước, như ông Ksor Phước, ông Ksor Nham... Dù làm chức cao nhưng đến ngày lễ, ngày Tết, học trò vẫn gọi điện chúc mừng thầy, hỏi thăm bạn cũ. Đó cũng là truyền thống tri ân của học trò miền Nam.

Hơn 32.000 học sinh ra đời ở miền Nam, nhưng lớn lên trong sự đùm bọc của nhân dân miền Bắc để trưởng thành, về xây dựng lại miền Nam. Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân ghi lại cảm xúc những năm tháng ấy: "Bù lại những mất mát, thiếu thốn tình cảm, chúng tôi lại có một thứ hạnh phúc vô ngần mà không biết sau này bao giờ các thế hệ trẻ mới có được may mắn như thế và hơn thế...". Còn nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được thì xúc động chuyển những điều muốn nói thành thơ: Nhớ sao hết thuở chim chuyền/ Ai người dìu dắt lớn lên từng ngày/ Chim non vỗ cánh tung bay/ Dễ đâu quên được những ngày rừng xưa...