Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trên mặt trận báo chí

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 15/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức toạ đàm và trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”(12/1972 - 12/2022).

Kí ức về 12 ngày đêm không ngủ

Buổi tọa đàm và trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử là các cựu phi công, chiến sĩ phòng không bắn rơi B52, của một số nhà báo trực tiếp tham gia sự kiện 12 ngày đêm, một số chuyên gia lịch sử… nhằm nêu bật chiến thắng vẻ vang, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam để làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Toàn cảnh buổi toạ đàm Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”(12/1972 - 12/2022).
Toàn cảnh buổi toạ đàm Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”(12/1972 - 12/2022).

Nhớ lại 12 ngày đêm không ngủ, Đại tá Đinh Thế Văn - người hạ máy bay B52 ở chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nhớ lại, Mỹ được trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại gấp nhiều lần so với lực lượng phòng không, không quân Việt Nam nhưng lại không thể giành chiến thắng: "Quân ta đã nghiên cứu kỹ cách đánh, có nhiều năm chuẩn bị chống lại B52, cùng với lòng quả cảm, tinh thần “quyết tử để tổ quốc quyết sinh” nên giành chiến thắng".

 

"Chúng tôi được ra lệnh, bắn thẳng vào “pháo đài bay bất khả xâm phạm” của Mỹ khiến giới quân sự Mỹ rung động. Các cuộc không kích B52 của Mỹ thường diễn ra buổi tối, đêm. Phi công đã được phổ biến cách đánh, cùng với lòng dũng cảm, quyết tâm đánh giặc, lực lượng không quân đã nhanh chóng lập chiến công, làm lung lay ý chí của kẻ thù" - Phi công lái máy bay MiG21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận được với B52 Vũ Đình Rạng.

Trong khi đó, nhớ lại thời kỳ tác nghiệp đầy gian khó, thậm chí tính mạng có thể mất bất cứ lúc nào,Đại tá Nguyễn Xuân Mai - nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không Không quân, được vinh dự 7 lần gặp Bác Hồ hồi tưởng, thời điểm ngày đầu tiên (18/12/1972) khi Mỹ mở cuộc không kích B52 vào Hà Nội, ông cùng các đồng nghiệp đã được tập huấn kỹ cách tác nghiệp trong thời chiến, đặc biệt việc nắm bắt thông tin Mỹ sẽ ném bom nhưng canh chừng vì không biết chính xác thời điểm.

“Ngay sau khi máy bay tấn công vào sân bay Gia Lâm, tôi và đồng nghiệp đã có mặt ở địa bàn, hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến tận mắt và ghi nhận lại là Mỹ dùng máy bay F111 bắn liên tục để phá sân bay, ngay sau đạn ngừng lại trở về toạ soạn đưa tin. Cũng trong đêm, chúng tôi nhận được thông tin máy bay B52 bị bắn rơi tại Phủ Lỗ, 2 phóng viên được toà soạn cử đi ngay lập tức và yêu cầu khi tác phải chụp ảnh bằng được phù hiệu và xác ảnh máy bay rơi, các phóng viên đã hoàn thành nhiệm vụ” -  nhà báo Nguyễn Xuân Mai nhớ lại.

Nhà báo Phạm Việt Tùng – Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam nhớ lại những ngày tháng tác nghiệp đầy gian khó.
Nhà báo Phạm Việt Tùng – Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam nhớ lại những ngày tháng tác nghiệp đầy gian khó.

Trong khi đó, nhà báo Phạm Việt Tùng – Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kể chi tiết chuyếntác nghiệp tận tay quay được cảnh máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội vào đúng đêm 27/12/1972.

“Không giống như miêu tả như các loại hình khác, làm phim phải có được hình ảnh thật, đây là điều mà cả đoàn trăn trở nhất. Đã có những lần tôi và đồng nghiệp thất bại trong việc quay lại hình ảnh của máy bay B52, nhưng nhiệm vụ và trách nhiệm không được lùi bước, cuối cùng đã ghi lại những khoảnh khắc đến thời điểm này không thể quên trong 12 ngày đêm rực lửa. Ngoài ra, lực lượng phóng viên thời đó rất mỏng, vì phải chia ra hai cánh sẵn sàng tác nghiệp tại Hà Nội và một nhóm khác đi sơ tán, để bảo vệ các máy móc thiết bị. Việc đi sơ tán nhằm bảo toàn lực lượng, nếu phóng viên quay phim ở chiến trường không may hy sinh thì còn có người khác thay thế” – nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Các câu chuyện từ các chứng nhân thêm khẳng định, mặt trận thông tin đối ngoại, báo chí góp phần tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam…

Khi báo chí xung trận

12 ngày đêm khói lửa (18 – 29/12/1972), các tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, làm rực sáng bầu trời đêm Hà Nội và một số địa phương khác, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, những mũi tiến công của báo chí như Báo Nhân Dân – nơi có căn hầm vẫn xuất bản báo hàng ngày suốt 12 ngày đêm khói lửa rồi lực lượng báo chí từ Quân đội nhân dân, Phòng không – không quân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng.

Trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đặt tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đặt tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trưng bày Báo chí xung trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” gồm 18 vách trưng bày, được đặt tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, kể lại câu chuyện về Bác Hồ với Lực lượng phòng không – không quân, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Đáng chú ý, các tác phẩm được trưng bày đã thể hiện sự xung trận xông xáo, quả cảm của các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử như phóng viên Vũ Ba (Báo Quân đội nhân dân), Trịnh Hải, Đỗ Quảng, Phạm Thanh (Báo Nhân Dân), Chu Chí Thành, Minh Lộc (Thông tấn xã Việt Nam)...

Cùng với đó, một số hình ảnh đã cho người xem thấy được không khí tác nghiệp của đội ngũ báo chínhư: trận địa phòng không Báo Nhân Dân; hình ảnh các nhà báo, văn nghệ sĩ tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai sau trận ném bom của Mỹ; những số báo ra trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không: Quân đội nhân dân, Nhân Dân; thắng lợi của Hiệp định Paris 1973…  Không gian trưng bày tại Bảo tàng Báo chí còn có tủ trưng bày gồm 50 tài liệu, hiện vật về sự kiện “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” như: các số báo tiêu biểu của Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thống Nhất, Hànộimới, Giải phóng, Sud Vietnam En lute, South Vietnam in Struggle, Tổ quốc… và một số hình ảnh tiêu biểu, một số kỷ vật được làm từ xác máy bay, vỏ đạn đại bác như lọ hoa, hộp đựng...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tuy đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, của công chúng trong và ngoài nước.

“Báo chí đồng thời góp phần to lớn trong công tác thông tin đối ngoại, tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đồng thời là cơ sở đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975” – ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.