Kỳ vọng cán bộ, công chức sống được bằng lương

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý cho Đề án Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước để điều tiết giá cả thị trường khi đề án được thông qua.

 
Ông có ý kiến gì về đề án cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công và DN đang được cho ý kiến tại Hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần thứ 7 (khóa XII)?
Đề án cải cách tiền lương đưa ra Hội nghị T.Ư 7 có nhiều điểm mới, đột phá để cán bộ, công chức sống được bằng lương, chứ không phải như lâu nay chúng ta vẫn nói “phần lậu lớn hơn lương, thưởng lớn hơn lương”. Lần cải cách này, cơ cấu lương là chính để cán bộ công chức…. sống được bằng lương, qua đó giảm thiểu tình trạng có những người “chân ngoài dài hơn chân trong”, giảm tiêu cực, tham nhũng vì đồng lương không đủ sống mà người ta tính quẩn.
Theo ông, giải pháp để thực hiện tiền lương một cách tốt nhất là gì?
Tôi nghĩ phải trả lương theo đúng năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng công việc. Nói cụ thể hơn là phải trả lương theo đúng vị trí việc làm, chứ không phải như trước đây, ngạch chuyên viên chia làm nhiều bậc; chuyên viên, chuyên viên chính cũng vậy. Vì thế, cùng một vị trí công việc, nhưng mức lương của mọi người lại khác nhau. Người ta lại nói, đi làm 50 năm mới hết được các thang bậc lương là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, như thế rất khó.
Ở đề án cải cách tiền lương lần này, chúng ta rút lại khoảng cách ngạch, bậc từ mấy chục còn 5. Và trả lương theo đúng hiệu quả và chất lượng công việc mới là đúng. Tôi rất kỳ vọng trong lần cải cách chính sách tiền lương ở Hội nghị BCH T.Ư 7 lần này.
Người ta nói, cải cách tiền lương phải gắn với tinh giản biên chế?
Tôi nghĩ cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy. Cái bánh ngân sách của chúng ta rất hạn hẹp, bộ máy lớn nên không thể nào làm công hưởng lương gấp đôi, ba lần. Vì thế, nếu thực hiện tinh giản biên chế gắn với tinh gọn bộ máy, việc trả lương sẽ thích hợp hơn. Ví dụ, một vị trí việc làm chỉ cần một người thì tại sao chúng ta phải tổ chức đến 3, 4, 5 người. Khi tinh gọn biên chế, chúng ta dồn khoản tiền lương vốn chia đều cho 5 người xuống còn 1, 2 người thì người lao động được hưởng lương phù hợp nuôi sống được mình, gia đình. Và, nhà nước cũng rất tinh gọn bộ máy và tinh giản được biên chế.
Khi đề án cải cách chính sách tiền lương được thông qua, người ta lo lắng sẽ xảy ra lạm phát, giá cả tăng theo?
Chúng ta không ngại điều đó vì có cả cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ các vật tư, vật liệu thiết yếu như xăng, dầu, điện lưới, Nhà nước có thể quản lý không tăng giá mà giữ vững ở mức ổn định như những năm qua thì đồng lương còn có giá trị. Còn nếu như lương tăng một chút, mà giá cả tăng theo thì tiền lương không còn ý nghĩa. Do vậy, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước để điều tiết giá cả thị trường là rất quan trọng.
Xin cảm ơn ông!