Kiến nghị thành lập Ủy ban tái cơ cấu
Trong phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu đã thảo luận về chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chương trình tái cơ cấu chưa đạt được tốc độ như mong muốn, có thể là do chưa xác định đúng trọng tâm của tái cơ cấu, hoặc là xác định đúng trọng tâm, nhưng thực hiện chưa được quyết liệt.-ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đặt vấn đề. Theo ông Thiên, chúng ta thực hiện quá trình tái cơ cấu suốt 4 năm qua nhưng rất chậm, chưa đạt nhiều kết quả như kỳ vọng. Nền kinh tế vẫn khó khăn trong năm nay và năm sau, có thể nói là khó khăn tiếp tục kéo dài. “Vậy, cần phải xem xét quá trình tái cơ cấu suốt bốn năm qua có đúng hướng hay không? Tại sao triển khai lại chậm, không có kết quả lớn, vì không đúng nên cứ hì hục làm hay chưa chịu làm? Cần phải đánh giá cụ thể về vấn đề này”? - ông Thiên nhấn mạnh.
Tình trạng ì ạch đang diễn ra trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, không chỉ là cảnh báo của ông Thiên, mà nhiều chuyên gia khác cũng có ý kiến tương tự. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cảnh báo: “Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng đến nay tái cơ cấu nền kinh tế vẫn ì ạch. Nếu không có các giải pháp trúng và đủ mạnh, thì tình trạng này vẫn tiếp diễn…” .
“Một số đề án tái cơ cấu mang tính chất ‘chữa cháy’, chủ yếu bao gồm các biện pháp và mệnh lệnh hành chính, chưa chú ý thích đáng đến vai trò thị trường...”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia đề nghị cần áp dụng các giải pháp thị trường vào tái cơ cấu nền kinh tế. Gắn liền với đó là sự áp đặt quyết liệt từ trên xuống, chứ không thể chờ chuyển động từ dưới lên.
“Cần hình thành một Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế…”, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đề xuất, đồng thời phân tích, trong bối cảnh tồn tại các rào cản về lợi ích cục bộ và thông tin chia cắt, Chính phủ nên hình thành một Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban này sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ khác triển khai và giám sát các chương trình tái cơ cấu.
Rủi ro nợ xấu và nợ công
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế, nợ công, và tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Theo ông Võ Trí Thành, hai rủi ro lớn nhất là khó khăn ngân sách và nợ công. “Bánh” nợ tăng rất nhanh, dòng tiền trả nợ bắt đầu có vấn đề, ông Thành quan ngại. Liên quan đến tái cơ cấu ba trọng tâm là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, ông Thành kể 3 tháng gần đây ông đã tiếp xúc trên dưới 20 đại sứ quán và tập đoàn tài chính, họ đều hỏi Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước có thật không?
TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất của khơi thông tín dụng là nợ xấu, khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thiếu cả pháp lực, nguồn lực và năng lực.
Chính sách tiền tệ, theo phân tích của ông Thành, đang phải gánh nặng hỗ trợ phục hồi, các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, “trợ lực” trái phiếu Chính phủ dẫn đến méo mó, tăng rủi ro nợ xấu tương lai. Cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp bị tác động, hoặc được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu mong muốn cần mạnh mẽ hơn trong giải quyết nợ xấu và các chính sách cho vấn đề này cần phải cụ thể hơn.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cũng chỉ ra chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. “Công ty mua bán nợ mà có số vốn điều lệ quá nhỏ nên chỉ mua được nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì rất khó mua được nợ. Trong khi đó đa số các nước trên thế giới đã từng xử lý nợ xấu thành công thì họ phải sử dụng nguồn tiền tươi, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ”, TS Lịch nhận định.
Ông cho rằng, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng, song các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều khả năng tăng trưởng năm 2014 sẽ đạt 5,7 - 5,8%, dự báo cả năm 2014, CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12/2013. Với 2015 dự báo được đưa ra là GDP tăng 6 - 6,2%, còn lạm phát khoảng 7%. Theo vị chuyên gia, tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt tiến bộ hơn các năm trước là nhờ nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định mậu dịch tư do ta đang đàm phán sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Theo TS. Trần Thọ Đạt, TS Nguyễn Việt Hùng và TS. Hà Quỳnh Hoa thì áp lực lạm phát đối với nền kinh tế là không đáng lo ngại cho năm 2014 và Chính phủ có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng mọi can thiệp vào phía các nhân tố của cầu không làm tăng thu nhập từ sản xuất mà chỉ tăng thâm hụt thương mại và rủi ro về lạm phát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014.
|
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý kinh tế tại các Diễn đàn Kinh tế như thế này sẽ cung cấp thêm nhiều luận cứ giúp hoàn thành các báo cáo cho cơ quan chức năng, các ĐBQH tham khảo tại các kỳ họp Quốc hội cũng như đề xuất cho Đảng, Nhà nước những giải pháp quan trọng. “Diễn đàn này đã là diễn đàn lần thứ 6, thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành địa phương, các đại biểu chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi hy vọng cũng như các Diễn đàn được tổ chức trước đó, diễn đàn lần này sẽ tạo nên không khí tranh luận sôi nổi, tạo tiền đề đưa ra những giải pháp đúng đắn cho vấn đề hết sức quan trọng: Tái cơ cấu nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. |