Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng gì ở đối thoại thương mại cấp cao EU - Trung Quốc?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tổ chức đối thoại thương mại cấp cao trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên vẫn âm ỉ về nhiều mặt, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và một thỏa thuận đầu tư chưa được phê chuẩn.

Valdis Dombrovskis, Ủy viên thương mại châu Âu và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến này, với sự tham gia của đại diện từ các bộ thương mại và kinh tế của cả hai bên. Theo đại diện của Ủy ban châu Âu, cuộc họp tập trung thảo luận một số thách thức kinh tế toàn cầu, bao gồm an ninh lương thực và giá năng lượng, chuỗi cung ứng, dịch vụ tài chính và các mối quan tâm về thương mại và đầu tư song phương.

“Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở châu Âu và những bất ổn ngày càng gia tăng trong triển vọng kinh tế toàn cầu” - người đại diện EC cho biết.

Cuộc gặp cấp cao gần nhất giữa EU và Trung Quốc là cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 4 năm nay, đã kết thúc không thành công sau khi EU không đạt được bất kỳ đảm bảo nào từ Trung Quốc về việc sẽ không hỗ trợ chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine về mặt tài chính hoặc quân sự. Nhưng cả hai bên đã đồng ý nói chuyện một lần nữa “nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể cho những vấn đề còn tồn tại trước mùa Hè năm nay”.

Trong khi Brussels liên tục thúc đẩy Bắc Kinh ngồi xuống bàn họp, Trung Quốc được cho là tỏ ra không quá vội vàng. Noah Barkin, nhà phân tích quan hệ châu Âu - Trung Quốc tại Berlin, Đức, nhận định phản ứng chậm chạp này có lẽ liên quan đến việc Bắc Kinh đang cố gắng điều chỉnh mối quan hệ mới với châu Âu.

“Những ngày diễn ra các cuộc họp giữa EU và Trung Quốc mà đôi bên cùng có lợi, nơi sự khác biệt được đưa ra giấy và các thỏa thuận nửa vời được coi là quà tặng có đi có lại, đã qua lâu rồi. Trung Quốc đang thích nghi với một thực tế mới, trong đó EU đang nêu ra tất cả các vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ mỗi khi họ gặp nhau. Họ [Bắc Kinh] muốn tránh điều này” - vị chuyện gia nói với SCMP.

Bà Francesca Ghiretti, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Berlin, cho rằng, Trung Quốc cũng đang rất muốn phục hồi nền kinh tế của mình và tăng cường quan hệ thương mại toàn cầu, bao gồm cả với EU. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này tăng 0,4% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước, nhưng là giảm so với mức tăng 4,8% trong 3 tháng đầu năm nay.

“Trong khi quan hệ ngoại giao giữa EU và Trung Quốc không thể coi là thuận lợi trong 2 năm qua, tác động kinh tế của đại dịch và đặc biệt là chính sách “zero-Covid”, cùng với tình trạng hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, đã thúc đẩy Trung Quốc nối lại quan hệ kinh doanh bình thường với EU” - bà Ghiretti nói.

Bà Ghiretti lưu ý thêm: “Trung Quốc cũng đang tăng tốc nỗ lực đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế với các nền kinh tế đang phát triển khác. Các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã tác động đến việc thúc đẩy quá trình này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không cần thị trường châu Âu và châu Mỹ”.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại trong thời gian tới. “Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc hoan nghênh cuộc đối thoại vì nó được thiết lập nhằm giúp hai bên thông qua các chương trình nghị sự về kinh tế và thương mại, xác định các lĩnh vực hợp tác, cũng như quản lý những khác biệt hoặc tranh chấp có thể cản trở sự tin cậy lẫn nhau” - một thông báo từ CCCEU cho biết.

Theo văn phòng thống kê của EU Eurostat, vào năm 2021, Trung Quốc là đối tác lớn thứ 3 về xuất khẩu hàng hóa của khối (10,2%), và là đối tác lớn nhất đối với hàng hóa nhập khẩu của EU (22,4%).

Trong khi CCCEU tin rằng việc duy trì quan hệ kinh tế Trung - EU vững chắc và không bị gián đoạn sẽ tăng cường sự ổn định và tăng trưởng thương mại toàn cầu, cơ quan này hy vọng các cuộc đàm phán cấp cao sẽ giải quyết “những lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng hạn chế của EU”.

Các công ty nước ngoài được nhà nước hậu thuẫn mua lại các công ty ở EU sẽ sớm phải tuân theo một quy định nhằm giải quyết các sai lệch về trợ cấp nước ngoài trong thị trường nội bộ của khối. EU cũng chưa phê chuẩn Hiệp định Toàn diện về Đầu tư với Trung Quốc - động thái mà Bắc Kinh coi là “có ý nghĩa về mặt ngoại giao”. Tuy nhiên, chuyên gia Ghiretti nói rằng bà không mong đợi bất kỳ thỏa thuận mới nào sẽ được đưa ra trong các cuộc đàm phán cấp cao trong thời gian tới.

“Trung Quốc đang sử dụng các chiến lược cũ của mình để thu hút sự tham gia của Liên minh châu Âu và họ không đề xuất bất cứ điều gì mới nhưng sẽ cố gắng làm sống lại các chủ đề cũ” - bà Ghiretti nói - “Vì Bắc Kinh nhận thức rất rõ thực tế là các doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn đầu tư vào Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận toàn diện về đầu tư mặc dù Bắc Kinh biết rằng nó có rất ít cơ hội thành công”.

Còn về phía châu Âu, mọi thứ về chủ đề này được cho là sẽ khó có nhiều thay đổi lúc này bởi “EU vẫn cần phê chuẩn khuôn khổ pháp lý cho thỏa thuận trước khi thực hiện nó, và điều đó vẫn rất khó xảy ra” - bà Ghiretti nhận định.