Kỳ vọng gì từ cuộc gặp Ngoại trưởng Nga và Ukraine?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ lần đầu có cuộc hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/3, kể từ khi chiến sự của Nga tại Ukraine bùng phát hôm 24/2.

Kỳ vọng gì?

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định, ông không đặt kỳ vọng cao vào khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hay các kết quả khả quan từ cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bên lề một diễn đàn ngoại giao ở tỉnh Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Kuleba kêu gọi ông Lavrov tiếp cận các cuộc đàm phán "với thiện chí, không phải từ quan điểm tuyên truyền." 

"Tôi sẽ nói thẳng rằng kỳ vọng của tôi về các cuộc đàm phán là thấp," ông Kuleba chia sẻ một tuyên bố video hôm 9/3. "Chúng tôi quan tâm đến một lệnh ngừng bắn, giải phóng các vùng lãnh thổ và giải quyết tất cả các vấn đề nhân đạo," Ngoại trưởng Ukraine cho biết. 

Về phần Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng yêu cầu các nguyện vọng bao gồm: Kiev giữ vị trí trung lập và từ bỏ nguyện vọng gia nhập liên minh NATO, phải được đáp ứng để chấm dứt cuộc tấn công. 

Phái đoàn hai nước đã tổ chức ba vòng đàm phán trước đó, hai vòng tại Belarus và một tại Ukraine, dù có một số dấu hiệu tích cực về các thỏa thuận nhân đạo, kết quả vẫn chưa đạt đột phá. 

Trong khi Moscow khẳng định, cuộc tấn công vào Ukraine từ hôm 24/2 là một "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp và phi phát xít hóa Ukraine; Kiev và các đồng minh phương Tây bác bỏ lý do đó. 

Thế cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải giữa các bên và sẽ tiếp đón hai nhà ngoại giao từ Ukraine và Nga.  

Mustafa Aydin, giáo sư tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, cho biết việc hai ngoại trưởng Lavrov và Kuleba tiếp cận nhau đánh dấu "một bước tiến" và có thể tiến đến ngoại giao ở các cấp cao hơn ở Moscow.

Ông nói: "Nga vẫn chưa tiến gần đến hòa bình, mặc dù nước này đang dần thay đổi lập trường". Quan điểm không khoan nhượng ban đầu của Moscow đang dần nhường chỗ cho một lập trường đàm phán mặc dù vẫn chưa đủ cho một kết quả cụ thể, chuyên gia này nhận định. 

Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Nga và Ukraine ở Biển Đen và có quan hệ tốt với cả hai quốc gia. Ankara từng bày tỏ quan điểm về chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine là "không thể chấp nhận", đồng thời kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp, nhưng cũng phản đối các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Trong khi củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga về năng lượng, quốc phòng và thương mại, và phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hoạt động bán máy bay không người lái cho Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya, cũng như việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ngoại trưởng Lavrov và Kuleba đều yêu cầu ông tham dự cuộc hội đàm vào ngày 10/3, đồng thời kỳ vọng đây có thể là một "bước ngoặt".

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần