Kỳ vọng gì từ du lịch khu vực sau bước ngoặt chống dịch của Trung Quốc?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày sau khi gỡ bỏ chính sách zero-Covid, bức tranh du lịch Trung Quốc và khu vực chưa rõ nét bởi lo ngại vẫn hiệu hữu trong bối cảnh ca nhiễm tăng kỷ lục ở đất nước tỷ dân.

Việc mở cửa trở lại vào ngày 8/1 là một trong những khâu cuối cùng trong việc dỡ bỏ chính sách zero-Covid của Trung Quốc.

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: Reuters
Hành khách tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: Reuters

Trong khi động thái dỡ bỏ kiểm dịch của quốc gia “tỷ dân” dự kiến thúc đẩy du lịch nước ngoài, một số nước yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc xét nghiệm âm tính nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh trở lại.

“Cuộc sống lại tiến lên phía trước!”, là nội dung một bài xã luận của Nhân Dân nhật báo - Cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ca ngợi chính sách chống Covid-19 của nước này. "Covid đang dần yếu đi còn chúng ta thì ngày càng khỏe hơn". 

Còn Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết nước này đã bước vào giai đoạn mới trong ứng phó với đại dịch, trích dẫn những kinh nghiệm trong phòng chống virus và các biến thể, cũng như tăng cường tiêm vaccine.

Bất chấp việc quan chức y tế và phương tiện truyền thông nhiều lần đề cập đến số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục ở nhiều nơi, chính phủ nước này vẫn đang xem nhẹ những hiểm họa từ dịch bệnh này.

Trái ngược với việc kiểm dịch và phong tỏa nghiêm ngặt ở mức A trước đó khi Trung Quốc xem Covid-19 giống với bệnh dịch hạch và dịch tả, thì vào ngày 8/1 quốc gia này đã hạ cấp kiểm dịch xuống mức B.

Cũng vào hôm đó, Trung Quốc cho biết chỉ có 5.272 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19, một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Trung Quốc đang báo cáo ít hơn con số thực tế, trong khi các chuyên gia y tế quốc tế ước tính hơn một triệu người ở nước này có thể chết do Covid trong năm nay.

Bỏ qua những dự báo ảm đạm đó, các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp vực dậy nền kinh tế “trị giá 17.000 tỷ USD” này và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Những hy vọng này đã nâng giá cổ phiếu châu Á vào ngày 9/1 lên mức cao nhất trong 5 tháng qua. Chỉ số blue-chip của Trung Quốc (CSI300) tăng 0,7%, trong khi chỉ số tổng hợp SSE (SSEC) tăng 0,5% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (HSI) tăng 1,6%. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất so với đồng đô la kể từ giữa tháng 8.

“Việc chấm dứt chính sách zero-Covid sẽ có tác động tích cực lớn đến chi tiêu nội địa của Trung Quốc” – Ông Ralph Hamers, Giám đốc điều hành UBS, phát biểu tại Hội nghị Greater China thường niên của tập đoàn vào ngày 9/1. "Chúng tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội cho những người cam kết đầu tư vào Trung Quốc" – ông nhấn mạnh.

Vào hôm 8/1, Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin vé các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Trung Quốc gần như đã được bán hết. Tin tức này nhanh chóng trở thành mục được quan tâm nhất trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lượng lớn du khách Hàn Quốc ở Trung Quốc cũng như du khách của một số quốc gia khác sẽ bị cản trở vì số chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vẫn ít, chỉ chiếm một lượng nhỏ so với trước đây.

Đầu tháng này, hãng hàng không Korean Air cho biết họ đang tạm dừng kế hoạch tăng chuyến bay đến Trung Quốc do sự thận trọng của Seoul đối với du khách Trung Quốc. Hàn Quốc giống như nhiều quốc gia khác hiện yêu cầu du khách từ Trung Quốc, Ma Cao và Hồng Kông cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi khởi hành.

Vào hôm 8/1, Trung Quốc có tổng cộng 245 chuyến bay cả trong và ngoài nước, giảm 91% so với 2.546 chuyến bay vào cùng ngày năm 2019 - theo dữ liệu của Flight Master.

Doanh thu du lịch nội địa của Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến sẽ phục hồi lên 70-75% so với mức trước đại dịch, nhưng số lượng chuyến bay trong và ngoài nước được dự báo sẽ chỉ phục hồi ở mức 30-40% trong năm nay - China News đưa tin vào ngày 8/1.