Bước sang năm 2024, Nhân dân Thủ đô kỳ vọng mạng lưới giao thông thành phố sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, trở thành trợ lực tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn thách thức lớn
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: “Năm 2023 là năm Hà Nội có rất nhiều cải tổ trong công tác quản lý, điều hành giao thông và đã đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức rất lớn, đã tồn tại từ lâu”. Theo vị chuyên này, Hà Nội đang đối diện với 4 thách thức lớn nhất trong lĩnh vực giao thông, đó là: hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, một số dự án rào chắn đường phố kéo dài; tính hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); tình trạng gia tăng phương tiện cá nhân, vi phạm luật giao thông diễn ra phổ biến; xe dù, bến cóc, xe khách trá hình gây mất trật tự, ATGT. “Đó là những vấn đề không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều, nhưng thành phố cần có những biện pháp cả lâu dài lẫn trước mắt để dần dần hóa giải 4 thách thức này”
Thực vậy, với khoảng 10 triệu dân, gần 8 triệu phương tiện, lại tập trung chủ yếu trong khu vực đô thị trung tâm, áp lực giao thông đang đè nặng lên Hà Nội, khiến cho tình trạng UTGT diễn biến ngày càng phức tạp. Những trục đường chính như: Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Vành đai 3 trên, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, Giải Phóng, Phan Trọng Tuệ… đã hình thành nhiều điểm “nóng” kéo dài, gây khó khăn cho người dân, dẫn đến những hệ lụy về môi trường, lãng phí của cải xã hội. Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường cho rằng, muốn hạn chế phương tiện cá nhân, qua đó giảm thiểu UTGT thì mạng lưới VTHKCC phải phát triển, đặc biệt phải có phục vụ đắc lực của “vai chính” đường sắt đô thị (ĐSĐT). “Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, đây sẽ là hai tuyến góp phần rất lớn giảm tải giao thông cho nội đô thành phố” - ông Vũ Hồng Trường nói.
Đồng thời, Sở GTVT đã bắt đầu điều chỉnh, phân bổ lại mạng lưới xe buýt theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đây là lần đầu tiên Hà Nội điều chỉnh quy mô lớn mạng lưới xe buýt trên cơ sở rà soát đánh giá từng tuyến. Phó giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2023, VTHKCC đã đáp ứng đươc trên 19% nhu cầu đi lại của người dân; mục tiêu trong năm 2024 là sẽ đảm bảo được từ 20 - 25% nhu cầu. Mạng lưới VTHKCC càng nâng cao năng lực thì sẽ càng có nhiều người dân chuyển sang đi tàu điện, xe buýt, xe đạp… qua đó hạn chế được xe cá nhân, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhưng bên cạnh đó cũng cần chú trọng hơn nữa tới công tác kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
Trên thực tế, vấn nạn cố tính vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, từ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội. Đây là một trong những vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm, gây khó khăn lớn cho giao thông, bức xúc trong dư luận xã hội. Với vai trò là cơ quan chức năng chính trong xử phạt vi phạm giao thông, Công an thành phố Hà Nội cần có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa nhằm đẩy lui vấn nạn này.
Quyết liệt và công bằng
Đông đảo người dân cho rằng, việc xử lý những vi phạm, tồn tại gây mất trật tự, ATGT phải được làm quyết liệt, sâu rộng, công bằng và thường xuyên liên tục. Không chỉ người dân mà cả các tổ chức, đơn vị có hành vi gây mất trật tự, ATGT cũng phải bị xử phạt, cưỡng chế khắc phục hậu quả mới đảm bảo luật pháp nghiêm minh, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Trong đó đặc biệt là hai hiện tượng: xe dù, bến cóc, xe khách trá hình hoành hành giữa nội đô; và rào chắn công trường không đảm bảo kế hoạch, biện pháp ATGT.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trong năm 2023, Sở đã có báo cáo chuyên đề riêng về quản lý, xử lý vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải, gửi thành phố. Bước sang năm 2024, Ban ATGT thành phố sẽ chủ trì thành lập các Tổ công tác đặc biệt, chuyên trách xử lý vấn đề này. Còn đối với các công trình dự án rào chắn hè đường thi cộng chậm chạp, gây cản trở giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc, Nhân dân Thủ đô rất mong các cấp chức năng có biện pháp quyết liệt hơn nữa. Không chỉ trong nội đô thành phố, kể cả các dự án ở khu vực ngoại thành nếu có chậm trễ, gây mất trật tự, ATGT cần quyết liệt xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu công khai, minh bạch để người dân được biết.
Về công tác đầu tư phát triển hạ tầng, nhiều chuyên gia cho rằng năm 2024 sẽ là năm “cần mẫn” của Hà Nội. Hầu hết các dự án quan trọng như: Vành đai 4, Quốc lộ 6, hầm chui Kim Đồng, Đại lộ Thăng Long… đều trong giai đoạn thi công, chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng. Bởi vậy công tác tổ chức giao thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ, năm 2023 Sở đã triển khai 8 chuyên đề công tác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành giao thông. Sang năm 2024, chuyên đề về giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo trật tự, ATGT sẽ được ưu tiên triển khai sớm, tập trung tháo gỡ khó khăn một cách chi tiết cho từng khu vực trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu sớm thí điểm cho thuê vỉa hè để góp phần giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, ATGT. Đây cũng là một giải pháp đột phá, có thể vãn hồi trật tự trên đường phố, góp phần tích cực vào giảm thiểu UTGT.
Có thể thấy Hà Nội đã tập trung toàn lực cho giao thông, dốc sức từng bước đẩy lui ùn tắc. Bước sang năm 2024, Nhân dân Thủ đô có thể đặt kỳ vọng lớn vào sự chuyển biến mạnh mẽ từ hành động thiết thực tất cả sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở GTVT, Công an thành phố, UBND và các quận, huyện.
Đánh giá về những kết quả của ngành giao thông Hà Nội năm qua, một số chuyên gia nhận định, năm 2023, Sở GTVT Hà Nội đã rất thành công trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn: Ngã Tư Sở, nút Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám… bằng biện pháp tổ chức giao thông. Điều đó cho thấy nếu tập trung, quan tâm đúng mức, có giải pháp hữu hiệu, tổ chức giao thông sẽ là lối thoát cho tình trạng UTGT trên nhiều tuyến đường trọng yếu của thành phố.