Kỳ vọng gỡ được “thẻ vàng” IUU cho thuỷ sản trong năm 2025
Kinhtedothi – Số hóa hồ sơ, quản lý nguồn gốc khai thác, kiểm soát tàu cá để thực thi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là yêu cầu bắt buộc để thuỷ sản Việt Nam được Uỷ ban châu Âu (EC) gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.
EC lùi thời hạn kiểm tra vì tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm
Theo kế hoạch, tháng 3/2025, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang thanh tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 5 gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay vẫn còn xảy ra 9 tàu/36 ngư dân tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu bị Thái Lan, Malaysia, Indonesia bị bắt giữ, xử lý. Đây là một trong những lý do chính mà EC quyết định tạm lùi thời hạn kiểm tra gỡ “thẻ vàng” IUU tại Việt Nam.

Kiểm soát tàu cá để thực thi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là yêu cầu bắt buộc hiện nay. Ảnh minh hoạ
Do đó, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Hải sản Ủy ban châu Âu (DG-MARE) đề nghị Việt Nam cần tập trung triển khai khắc phục một số tồn tại hiện nay như: kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về ngắt kết nối Hệ thống giám sát hành trình (VMS), vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển; ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, để đối thoại về chống khai thác IUU giữa Việt Nam và EC có thể tiến triển trong thời gian tới.
Phía DG-MARE cũng đề nghị Việt Nam gửi báo cáo tiến độ trước ngày 15/9/2025 và DG-MARE sẽ thực hiện đợt thanh tra lần thứ 5 vào cuối năm 2025 nếu báo cáo cho thấy sự tiến triển giải quyết các tồn tại nêu trên.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá, trong thời gian qua, tình trạng mất kết nối VMS vẫn phổ biến trên toàn quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi IUU. Sau khi EC thông báo hoãn việc tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Việt Nam để xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU vào cuối năm nay, các địa phương có thêm thời gian để chuẩn bị, nhưng cũng không còn nhiều.
Hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và vi phạm nhiều lần, thậm chí xử lý hình sự các chủ phương tiện vi phạm. Đây là một bước đi cứng rắn nhằm thúc đẩy các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát hành trình tàu cá và chống khai thác IUU.
Tận dụng thời cơ vàng để gỡ “thẻ phạt” của EC
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, giải pháp cốt lõi là làm sao để ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vào vùng biển nước ngoài, nếu vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Bên cạnh đó, phải quản lý tàu cá, đảm bảo tàu cá đi khai thác trên biển đủ điều kiện.
Trích dẫn
Các địa phương cần xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác IUU. Các địa phương phải rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về VMS. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản và các quy định về VMS đến ngư dân, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến
Theo Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Quang Hùng, vai trò của lực lượng Biên phòng, các cảng cá và các cơ quan quản lý địa phương là rất quan trọng trong kiểm soát và lập danh sách để đảm bảo tàu cá không đi khai thác vùng biển nước ngoài.
Về truy xuất nguồn gốc thủy sản, cần tăng cường kiểm soát xác nhận tại cảng cũng như chứng nhận tại các chi cục và các doanh nghiệp, 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác phải đảm bảo hợp pháp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các bên liên quan vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết dứt điểm từ nay đến trước ngày 15/9/2025 gồm: quản lý đội tàu; kiểm soát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
Riêng với nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tàu cá trong đó có việc ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu, lập danh sách đối tượng nguy cơ cao vi phạm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để trinh sát, theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài.
Song song đó, bố trí tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên các vùng biển giáp ranh với các nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và các đảo, cửa biển, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang ven biển… để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU đến khi kết thúc đợt thanh tra lần thứ 5 của EC.

Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế
Kinhtedothi- Thủy sản Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường Mỹ bởi những quy định bất lợi và chính sách thuế mới. Lo ngại tăng trưởng xuất khẩu, uy tín của ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nỗi trăn trở chung của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam hiện nay.

Hà Nội: rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã có quyết định thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Gỡ “thẻ vàng” IUU, khôi phục uy tín thủy sản Việt
Kinhtedothi – Nếu gỡ được “thẻ vàng” IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), thuỷ sản Việt Nam sẽ lấy lại được uy tín trên thị trường quốc tế; đồng thời là bước tiến quan trọng trong cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.