Xuất khẩu thuỷ sản lúng túng trong “bão” thuế
Kinhtedothi- Thủy sản Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức từ thị trường Mỹ bởi những quy định bất lợi và chính sách thuế mới. Lo ngại tăng trưởng xuất khẩu, uy tín của ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nỗi trăn trở chung của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam hiện nay.
Doanh nghiệp thuỷ sản “ngồi trên đống lửa”
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, quốc gia này chính thức thực thi các quy định của Luật Bảo vệ thú biển (MMPA), không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản. Điều đó đồng nghĩa với việc các mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi Mỹ đang là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu thủy hải sản đạt 1,8 tỷ USD năm 2024.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh hoạ
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các DN trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa". Bởi, tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế (ngày 2/4, giờ Mỹ), có gần 40.000 tấn thủy, hải sản đang trên đường đến Mỹ và các DN lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.
Đáng nói, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các DN thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF (chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác), do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
“DN lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều DN trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng. Các DN thủy sản cũng e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất với các mặt hàng như tôm sú, cá tra vì thị trường này chiếm tới 1,8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng” – ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.
Khẩn trương khơi thông, tháo gỡ rào cản
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam Lê Hằng, kịch bản có thể tháo gỡ hay đi theo hướng xấu nhất cũng là bài học để cho các DN tỉnh giấc “không thể bỏ trứng vào một giỏ”. DN cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường được khơi thông, gỡ các rào cản về kỹ thuật. DN rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông...

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh hoạ
VASEP kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác nhằm tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn. VASEP đánh giá cao về chính sách thuế và rất mong chính sách thuế mới sớm được đưa vào thực thi nhanh nhất, đặc biệt là về hoàn thuế, giãn thuế. VASEP kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay.
Trên cơ sở nhận diện rõ các thách thức đặt ra với ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến lưu ý, các đơn vị trong ngành cần nhanh chóng rà soát, tham mưu hoàn thiện ngay các văn bản quy phạm pháp luật; quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là cho nuôi biển; có giải pháp ứng phó kịp thời với các rào cản đối với xuất khẩu thủy sản. Trong đó, đối với thị trường Mỹ, giải quyết ngay vấn đề về MMPA là nhiệm vụ hàng đầu, cần làm ngay của toàn ngành thủy sản để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Trong khi cuộc chiến thuế quan đang diễn biến phức tạp, khó lường, giới chuyên gia cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, trong đó lưu ý giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Bởi, điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên trước nguy cơ cạn kiệt mà còn nhằm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) và phát triển bền vững.
Đối với các DN cần tập trung vào chế biến sâu, nâng giá trị gia tăng của ngành hàng; đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn, trước mắt áp dụng với những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng nuôi trồng theo hướng công nghiệp.
Trích dẫn
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương ưu tiên việc rà soát hồ sơ đăng ký tương đương đối với các nghề khai thác hải sản cũng như có cam kết phù hợp về hoàn thiện hệ thống quy định bảo vệ thú biển theo MMPA; bổ sung đầy đủ, kịp thời các thông tin theo yêu cầu của Mỹ, đồng thời thuê tư vấn là chuyên gia từ Mỹ để hỗ trợ thực hiện hiệu quả việc đàm phán với nước bạn liên quan đến MMPA.

Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: đâu là yếu tố “sống còn” cho doanh nghiệp
Kinhtedothi - Tối 5/4, Viện Doanh Trí phối hợp với Câu lạc bộ CEO 1983 (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia”.

Tổng thống Trump cảnh báo áp thêm thuế Trung Quốc, chứng khoán Mỹ tiếp tục chao đảo
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo phiên đầu tuần do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, khi Washington đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế "đối ứng" với Bắc Kinh.