Nợ đọng lớn
Là một ngành liên quan mật thiết tới bất động sản, khi thị trường gặp khó khăn, DN xây dựng chịu tác động trực tiếp, lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm; nợ vay tăng là câu chuyện chung bởi 90% DN xây dựng trong nước có vốn rất nhỏ, thường chỉ dưới 100 - 200 tỷ đồng.
Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng DN, khi lãi suất thực vẫn ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.
Giám đốc một DN chia sẻ, với đặc thù ngành xây dựng là làm trước rồi mới được thanh toán, chỉ được tạm ứng ban đầu một phần từ 15 - 30%, còn lại là vay ngân hàng. Khi chủ đầu tư chậm thanh toán, mất khả năng chi trả, không còn tiềm lực triển khai dự án… sẽ gây ra nợ đọng. Nhiều DN xây dựng năm vừa qua phải khống chế tình hình công nợ nhằm giảm áp lực tài chính.
Như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, năm 2023 trải qua 3 quý liên tiếp báo lỗ. Chỉ tới quý IV/2023, tình hình kinh doanh mới được cải thiện khi công ty lãi 109 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự khởi sắc này không đến từ hoạt động thi công công trình mà đến từ việc hoàn nhập khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỷ đồng.
Với Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), doanh thu năm 2023 đạt 12.704 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex giảm 64% còn 336,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động xây lắp dự án hạ tầng giao thông đóng góp 65% doanh thu (8.273 tỷ đồng, tăng 35,6% so với năm 2022), nhưng lợi nhuận gộp lại âm tới 315 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong doanh thu của Vinaconex là mảng bất động sản, đạt 2.314 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm ngoái. Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp cao, đạt 30,8%. Nợ xấu của DN trong năm 2023 gần 887 tỷ đồng và đã phải trích lập dự phòng khoản tương tự.
Tháo gỡ 4 nhóm vấn đề
Các chuyên gia đánh giá, để ngành xây dựng bớt khó cần xem xét, tháo gỡ 4 nhóm vấn đề: tiếp tục giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN; tiếp cận vốn vay; tiếp cận thị trường; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Nhà nước cần có chính sách và kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các DN đang “chết lâm sàng” mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Việc này nhằm tránh lãng phí tài nguyên của các chủ đầu tư, chủ DN và gỡ vướng vấn đề pháp lý rộng khắp.
Cùng với đó, thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp tình hình mới...
Cùng với đó, nhiều tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang hồi phục trở lại - động lực quan trọng giúp thanh khoản thị trường bất động sản nhanh chóng khởi sắc. Khi đó, các giao dịch sẽ được thiết lập, DN bất động sản có khả năng thanh toán, các nhà thầu xây dựng cũng có cơ hội được trả nợ.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện nay, thị trường bất động sản đang đóng góp khoảng 20% GDP trong nền kinh tế của Việt Nam, đây là một tỷ lệ rất lớn, nguồn thu quan trọng đối với ngân sách Nhà nước. Thị trường còn tạo ra việc làm cho hàng triệu người, thông qua việc thúc đẩy đầu tư tài chính và thúc đẩy hàng trăm ngành nghề khác có liên quan.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, VNDirect cho rằng, kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn suy giảm tăng trưởng và đang bước vào giai đoạn phục hồi. Nhận định này đến từ việc lãi suất thị trường giảm mạnh sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành; tăng trưởng GDP và các biến số vĩ mô như doanh số bán lẻ, hoạt động xuất nhập khẩu đều cho thấy sự hồi phục trong quý IV/2023. Nhóm phân tích dự báo ngành công nghiệp và xây dựng sẽ cải thiện mức tăng trưởng lên 6,41% từ mức rất thấp là 3,74% trong năm 2023.
Đối với hoạt động đầu tư công, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024 với dự toán chi đầu tư phát triển 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Kết quả khảo sát DN của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, nhóm DN ngành xây dựng đã bớt bi quan hơn và niềm tin về triển vọng kinh tế ngành đã qua đáy so với kỳ đánh giá tháng 4/2023 (điểm trung bình đạt 2,14 so với 1,79/5).
Theo SSI Research, nếu giả định 95% kế hoạch vốn năm 2023 sẽ được giải ngân và khoảng 40.000 tỷ đồng được chuyển từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thì tổng vốn đầu tư phát triển năm 2024 có thể đạt 710.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng lớn được kỳ vọng khởi công xây dựng trong năm 2024 sẽ bảo đảm nguồn công việc dồi dào cho các DN xây dựng, bao gồm những dự án do Bộ GTVT quản lý cũng như phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh làm chủ đầu tư.