Kỳ vọng “vấn đề BOT” sớm được giải quyết

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức có tân Bộ trưởng với nhiều kỳ vọng về người đứng đầu sẽ sớm có giải pháp giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại của ngành, trong đó có BOT.

BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại sau nhiều năm tạm dừng hoạt động.
BOT Cai Lậy đã thu phí trở lại sau nhiều năm tạm dừng hoạt động.

“Vấn đề BOT” là cụm từ chung để nói về những bất cập, sai phạm tồn tại ở nhiều trạm BOT giao thông trong thời gian qua. Trên thực tế, dù những bất cập, sai phạm đó đã được chỉ rõ từ lâu nhưng để tìm ra lời giải, phương hướng giải quyết vẫn đang vô cùng nan giải.

Ngân sách phải “gánh”?

Một trong những “vấn đề BOT” nổi cộm nhất được nói đến chính là tình trạng trạm thu phí đặt sai vị trí. Điển hình có thể kể tới trạm BOT Cai Lậy, trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Đây đều là hai trạm thu phí “đặt nhầm” vị trí khiến dư luận và người dân rất bức xúc. Trong khi BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng hoạt động suốt nhiều năm qua để “sửa sai” và mới thu phí trở lại cách đây không lâu, thì BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài còn chưa phải dừng hoạt động để “sửa sai” một ngày nào.

Mới đây, Bộ GTVT trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Trong tờ trình trên, Bộ GTVT đề nghị Thường trực Chính phủ, Chính phủ thông qua giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập đối với 8 dự án BOT giao thông và trình Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép Chính phủ sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án của 7 dự án khoảng 10.835 tỷ đồng; bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng tham gia dự án PPP để thay thế quyền thu phí tại trạm dự kiến đặt trên tuyến La Sơn - Túy Loan.

Danh sách 8 dự án BOT được Bộ GTVT đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mua lại gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (trạm BOT La Sơn – Túy Loan); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 (QL3) đoạn Km75 - Km100; Dự án hạng mục đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6;

Dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km 50+889; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 - Km 1763+610; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C.

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc xử lý dứt điểm những dự án BOT có bất cập, vướng mắc là cần thiết và phải thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc dùng ngân sách Nhà nước để mua lại không phải là phương án tối ưu, thậm chí còn có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu.

BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận và người dân suốt hơn chục năm qua.
BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận và người dân suốt hơn chục năm qua.

Cần giải pháp đột phá

TS Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc dùng ngân sách để mua lại các dự án BOT như đề nghị của Bộ GTVT là không phù hợp.

“Cá nhân tôi không đồng ý việc chi ngân sách để mua lại các dự án BOT có bất cập do lỗi quy hoạch, đặt trạm thu phí sai vị trí” – TS Lê Thanh Vân nói và nhấn mạnh rằng, bài học về việc chi ngân sách ra mua lại Truyền hình AVG vẫn còn, do vậy chúng ta cần phải cẩn thận, không lại rơi vào các “bẫy” nhóm lợi ích, nhóm kê khống tài sản - thổi giá rồi thao túng ngân sách.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, trên thực tế, các dự án BOT giao thông doanh thu không đạt hiện nay rất nhiều chứ không chỉ dừng lại ở 8 dự án mà Bộ GTVT đề cập đến. Nếu đề xuất dùng ngân sách Nhà nước mua lại 8 dự án này được thông qua, trong tương lai hoàn toàn có khả năng sẽ có thêm nhiều dự án tương tự được mang ra để ngân sách tiếp tục “gánh”. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế này phân tích thêm, tất cả dự án BOT giao thông trước khi triển khai đều được nghiên cứu rất kỹ và khẳng định về tính khả thi, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Khi dự án không đảm bảo doanh thu, lỗi đầu tiên thuộc về đơn vị lập, đề xuất dự án, thẩm định dự án và ký quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án, những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng lơi là, thiếu tinh thần trách nhiệm khiến nhiều dự án xảy ra sai phạm, bất cập mà nghiêm trọng nhất là các dự án “đặt nhầm” vị trí, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân. Chính điều này càng góp phần khiến nguồn thu các dự án bị sụt giảm.

“Các dự án BOT giao thông khi triển khai đều phải đảm bảo được mục tiêu mà Nhà nước đặt ra là hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Thế nhưng, nhiều trạm thu phí cố tình đặt sai vị trí, đặt không đảm bảo đúng khoảng cách quy định và nhiều bất cập khác” – chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

Điển hình cho vấn đề này chính là trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đây là trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh Vĩnh Yên nhưng lại được đặt trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội. Trong suốt 12 năm qua, cử tri và người dân Hà Nội đã rất nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị dời trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài về đúng vị trí vốn có. Cũng trong thời gian trên, gần như kỳ họp Quốc hội nào cử tri, đại biểu cũng có ý kiến về trạm thu phí này nhưng đến nay trạm vẫn hoạt động.

Dư luận đang rất trong chờ vào tân Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ có những giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm “vấn đề BOT” nói chung và vấn đề tại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài nói riêng.

 

“Chúng ta cần phải tách từng dự án ra một, không thể gộp tất cả 8 dự án BOT này chung một phương án. Việc mua lại hay hỗ trợ từng năm một cần phải được xem xét từng dự án cụ thể. Không phải dự án nào người dân sử dụng công trình BOT phản đối là chúng ta bỏ tiền ra mua. Nếu ý kiến của người dân sử dụng công trình BOT đúng thì chúng ta tiếp thu, còn những dự án mà họ chưa hiểu thì chúng ta cần phải tuyên truyền”.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần