Lạ lùng bị cáo nằm băng ca đến dự tòa

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi - Do mắc nhiều bệnh, không thể tự đi hay ngồi để nghe và trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), nên bị cáo được người nhà đưa vào dự phiên tòa bằng băng ca.

TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản” đối với bị cáo Đào Minh Việt (SN 1959, ngụ phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Tại phiên tòa, khi HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch bị cáo Đào Minh Việt, lúc này mới biết bị cáo đang nằm trên băng ca.

Bị cáo Đào Minh Việt được người nhà đưa đến phiên tòa bằng xe cứu thương.
Bị cáo Đào Minh Việt được người nhà đưa đến phiên tòa bằng xe cứu thương.

Trước tình huống hy hữu này, HĐXX đã hỏi bà Lê Thị Num là vợ bị cáo Việt vì sao lại đưa bị cáo đến tòa, thì bà Num trả lời: “Gia đình tôi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và giấy triệu tập của tòa án, nên mới đưa chồng đến phiên tòa để không bị mất quyền lợi”.

Nhận thấy bị cáo Việt không còn nhận thức được nên đại diện Viện KSND Cấp cao đã đề nghị hoãn phiên xử. Tuy nhiên, luật sư Phương Văn Thêm - Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Gia (người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Việt) thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, đề nghị HĐXX phiên tòa phúc thẩm tiếp tục xét xử, vì nhà bị cáo ở xa, tận tỉnh Bến Tre. Luật sư Thêm cũng đưa ra 2 kiến nghị: Cần giám định sức khỏe của bị cáo Việt; hoặc đưa bị cáo Việt ra ngoài hành lang để tiếp tục xét xử.

Theo luật sư Phương Văn Thêm, tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Bến Tre xét xử vào tháng 10/2022, bị cáo Việt không thể đến tòa theo giấy triệu tập vì không thể đi lại do mắc nhiều bệnh, như: Hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi; bị tiểu đường tuýp II; bị thận mãn tính; nhiễm chất độc hóa học; đang phải điều trị tâm thần.

“Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm các luật sư đề nghị HĐXX áp giải bị cáo Việt đến tòa để bị cáo không mất quyền lợi. Nhưng HĐXX không chấp nhận nên luật sư bỏ về và HĐXX tòa sơ thẩm vẫn xét xử vắng mặt, tuyên bị cáo Đào Minh Việt 15 năm tù bằng bản án số 44 về tội “Tham ô tài sản”, luật sư Thêm nói.

Bị cáo Đào Minh Việt được người nhà đưa bằng băng ca đến dự phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử.
Bị cáo Đào Minh Việt được người nhà đưa bằng băng ca đến dự phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử.

Trước đề nghị của đại diện Viện KSND Cấp cao là hoãn phiên tòa và luật sư Phương Văn Thêm đề nghị cần giám định sức khỏe của bị cáo. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm. HĐXX cũng yêu cầu trong trường hợp giám định không có bệnh, hoặc cơ quan giám định không đồng ý giám định lại, thì gia đình bị cáo Việt không nên đưa bị cáo đến tòa trong tình trạng nằm trên băng ca.

Theo nội dung vụ án, từ năm 2010-2016, ông Võ Phúc Ánh (SN 1960) làm Phó ban Thường trực Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ (BVCSSKCB) tỉnh Bến Tre, là chủ tài khoản thực hiện quản lý việc thu, chi của ban. Bà Võ Thị Hồng Vân (SN 1967) là kế toán theo quyết định 15/QĐ/BVSK ngày 31/7/2012 của Ban BVCSSKCB (từ năm 2010 đến 31/7/2012, bà Vân làm kế toán nhưng không có quyết định); thủ quỹ là bà Trần Thị Mộng Hường (từ ngày 1/1/2010-31/7/2010), Lê Thị Hồng Thắm (làm thủ quỹ từ ngày 1/8/2010-31/3/2011), Trần Thị Nguyệt (SN 1968, thủ quỹ từ ngày 1/4/2011-31/3/2016), ông Đào Minh Việt (thủ quỹ từ ngày 1/4/2016-30/9/2016).

Từ năm 2010 đến tháng 9/2016, Võ Thị Hồng Vân lập 268 giấy rút tiền tại kho bạc là 10.310.449.400 đồng. Trong đó, bà Hường rút 250 triệu đồng, Thắm rút 400 triệu đồng, Nguyệt rút 2,474 tỷ đồng; ông Việt rút 7,186 tỷ đồng. Khi rút tiền về, bà Nguyệt và ông Việt không nhập vào sổ quỹ tiền mặt 138 giấy (có 137 giấy không nhập, 1 giấy rút 100 triệu đồng nhưng nhập quỹ 30 triệu đồng). Tổng số tiền bà Vân, Nguyệt, ông Việt không nhập vào sổ quỹ là 5,112 tỷ đồng.

Bị cáo Việt không còn khả năng nhận thức, nên phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phải hoãn để chờ kết quả giám định sức khỏe.
Bị cáo Việt không còn khả năng nhận thức, nên phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phải hoãn để chờ kết quả giám định sức khỏe.

Sau khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Qua giám định 138 giấy rút tiền mặt, xác định 56 giấy rút số tiền 2,498 tỷ đồng không phải chữ ký của ông Võ Phúc Ánh mà là chữ ký của bà Vân cùng con dấu trên giấy là thật. Ngoài 56 giấy rút tiền nêu trên, cơ quan điều tra còn xác định bà Vân lập thêm 2 giấy ủy nhiệm chi khống để rút và chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng, tổng số tiền Vân tham ô hơn 3,740 tỷ đồng.

Đối với bà Nguyệt, cơ quan điều tra xác định tham ô hơn 39,5 triệu đồng; ông Việt tham ô 70 triệu đồng. Riêng ông Võ Phúc Ánh chỉ bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với ông Việt do mất khả năng nhận thức, phải chữa trị bắt buộc tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nên được tách ra thành 1 vụ án khác.

Ngày 15/11/2019, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm và tuyên bằng bản án số 28/2019/HS-ST, bị cáo Võ Thị Hồng Vân 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Cùng tội danh với Vân, bị cáo Trần Thị Nguyệt bị 2 năm tù. Bị cáo Võ Phúc Ánh bị xử 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng cho hưởng án treo. Tòa án cũng tuyên tiếp tục kê biên 5 tài sản là quyền sử dụng đất và 1 tài sản là cổ phần của bị cáo Vân để đảm bảo thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự, TAND tỉnh Bến Tre ghi nhận bị cáo Ánh đã nộp khắc phục hậu quả 2.640.467.171 đồng cho Ban BVCSSKCB tỉnh Bến Tre; bị cáo Nguyệt nộp khắc phục hậu quả hơn 81 triệu đồng. Tòa cũng buộc bị cáo Vân phải bồi thường cho Ban BVCSSKCB số tiền 2,917 tỷ đồng. Cả 3 bị cáo này không kháng cáo.

Clip: Bị cáo  Đào Minh Việt được người nhà đưa đến tòa trên băng ca.

Đến ngày 31/10/2022, TAND tỉnh Bến Tre tiếp tục xét xử đối với bị cáo Đào Minh Việt về tội “Tham ô tài sản” và tuyên mức án 15 năm tù vì bị cáo có vai trò giúp sức là đi rút giùm 2,498 tỷ đồng tại kho bạc để đưa Võ Thị Hồng Vân, và tham ô 70 triệu đồng. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị cáo Việt kháng cáo kêu oan.

Theo luật sư Phương Văn Thêm, vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và gây oan sai. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Việt buộc phải vắng mặt là chuyện bất khả kháng vì bị nhiều bệnh. “Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Bến Tre xét xử, các luật sư đã yêu cầu HĐXX ra quyết định hoãn, hoặc áp giải bị cáo Việt đến tòa nhằm đảm bảo việc xét xử được khách quan. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của luật sư nên chúng tôi buộc phải ra về và tòa tuyên bị cáo Việt 15 năm tù”, luật sư Phương Văn Thêm nói. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần