Lại nóng cuộc đua tuyển sinh đầu cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, ngày 1/7 mới là thời điểm các trường công lập, trường chất lượng cao ở Hà Nội bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) năm học 2016 - 2017.

Thế nhưng cuộc đua vào các trường này đã nóng ngay từ giữa học kỳ 2 của năm học cũ.

Chạy đua các tiêu chí

Chị Nguyễn Ngọc, phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình không có hộ khẩu nơi hiện đang ở, nên cuống lên lo thủ tục xin học cho con. “Hộ khẩu gia đình ở quận Ba Đình, nhưng tôi tạm thời thuê nhà gần nơi làm việc cho tiện đi lại. Tôi muốn cho cháu học tại nơi đang ở, nhưng theo quy định thì cháu phải về học ở nơi có hộ khẩu. Tôi đang tìm “cửa” chạy giấy tờ, đã nhờ mấy nơi nhưng chưa ai trả lời chắc chắn” – chị Ngọc chia sẻ.
Phụ huynh đăng ký hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: Trung Đức
Phụ huynh đăng ký hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 trường THCS Lương Thế Vinh. Ảnh: Trung Đức
Không chỉ phụ huynh trái tuyến lo “chạy trường" cho con, mà nhiều phụ huynh muốn cho con vào trường điểm, trường chất lượng cao như THCS Hà Nội - Amsterdam, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie... cũng lao vào cuộc đua. Chỉ tiêu có hạn, trong khi đó 100% học sinh (HS) đăng ký xét tuyển đều có điểm tuyệt đối trong học bạ, khiến các trường phải lọc hồ sơ bằng các tiêu chí phụ. Trường Marie Curie ưu tiên tuyển thẳng HS đạt giải Ba cấp quận trở lên trong các kỳ thi HS giỏi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 (ViOlympic, Olympic tiếng Anh, IOE...). Trường THPT Lương Thế Vinh ưu tiên xét tuyển những HS đạt giải Toán, tiếng Anh từ cấp quận trở lên… Và để đạt các tiêu chí này, phụ huynh đã tìm mọi cách, không chỉ đầu tư cho con ôn luyện thi lấy giải, mà còn tận dụng các mối quan hệ để con có học bạ đẹp, có giải thưởng phụ…

Một phụ huynh nhà ở quận Hoàng Mai có con năm nay vào lớp 1 cho biết đã nộp 4 - 5 bộ hồ sơ vào các trường: Ngôi sao, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu..., không vào được trường này sẽ vào trường kia. “Dù các trường không tổ chức thi tuyển, nhưng đưa ra nhiều hình thức tets HS: kiểm tra viết, đọc, tiếng Anh, kiểm tra trí nhớ, các kỹ năng… Vì thế mà gia đình phải nhờ vả người quen tìm chính giáo viên của trường nhờ ôn luyện theo yêu cầu trường đặt ra. Không thi, nhưng với hình thức này còn áp lực hơn cả thi” – phụ huynh này cho biết.

Không ít người cho rằng, với một số trường có lượng hồ sơ đăng ký lớn, xét tuyển bằng các tiêu chí, giải thưởng, học bạ sẽ thiếu khách quan, nảy sinh tiêu cực. PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ: Tôi đã nghe nói các cuộc thi này, cuộc thi kia có hiện tượng chạy giải, giải bơi lội dành cho HS tiểu học năm 2015 cũng kiện tụng vì thiếu minh bạch. Theo tôi, giải thưởng nếu thực chất thì vẫn có thể tuyển được HS có tố chất, nhưng nếu “chạy” thì vô hình gây hiện tượng tiêu cực hơn, thiệt thòi cho HS.

Lo chạy trường

Cuộc đua của phụ huynh không chỉ diễn ra trước thềm bậc học mầm non, lớp 1 và lớp 6, mà còn khá rôm rả trước ngưỡng cửa vào lớp 10 với những tính toán để... chuyển trường. Nguyên do là bởi mùa tuyển sinh lớp 10 này, Hà Nội có 81.500 HS, trong đó chỉ có 53.000 em được vào trường công lập. Để chắc một chỗ trong trường công, ngoài đăng ký NV1 (top đầu, top giữa) HS, phụ huynh còn đăng ký ở những trường lấy điểm thấp, trường ngoại thành (NV2) với chủ ý học một thời gian rồi… chuyển trường.

Bởi thế, số HS đăng ký vào lớp 10 công lập giữa nội thành, ngoại thành có sự chênh lệch khá lớn, cao gấp 2 đến 10 lần so với chỉ tiêu. Những trường trong các quận nội thành như: Quang Trung, Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) đều có chỉ tiêu 560, nhưng số HS đăng ký đều trên 2.173 hồ sơ. Đặc biệt, trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) có 480 chỉ tiêu, hiện số lượng hồ sơ đăng ký vượt lên gấp 10 lần tới 4.011 HS…

Thế nhưng, chị Hoàng Yến, có con học trường Marie Curie năm học trước cho biết, nhiều HS cùng lớp, cùng trường con sau một thời gian học phải chuyển trường vì không theo kịp các bạn. “Nhiều phụ huynh bằng mọi giá đầu tư tiền của cho con ôn luyện, lo chạy giải này, giải kia... nhưng chỉ một thời gian phải chuyển trường. Có HS từ chỗ ngoan lại trở thành lì lợm, đua đòi ăn chơi, không học… chỉ vì bố mẹ không hiểu năng lực của con đến đâu, cố ép, chạy bằng được cho con vào những trường bố mẹ thích” - chị Yến chia sẻ.

Một số hiệu trưởng các trường ngoại thành phản ánh, năng lực học tập của HS khi lên THPT khác xa với thực tế, học bạ của HS hầu hết đều xếp loại khá, giỏi, nhưng khi vào lớp 10 lại học yếu nhiều môn. Hiệu trưởng trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh) không giấu, năm ngoái mới hết học kỳ I, đã có 40 em xin chuyển trường. Có lẽ vì thế mà ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, năm học 2016 - 2017, Sở yêu cầu HS trúng tuyển vào trường nào bắt buộc phải học ở đó đến hết cấp học.
Điểm chuẩn của các trường công lập Hà Nội rất vênh nhau, năm nay, Sở GD&ĐT siết chặt quy định nhằm tránh tình trạng sau một thời gian vào học lại chuyển trường, nhằm đảm bảo công bằng cho mọi HS, không gây xáo trộn trong năm học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại